Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy Bạc Liêu về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực và phát triển nhiều mô hình sản xuất để thực hiện nghị quyết này.
Nông dân xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) thu hoạch dưa hấu. Ảnh: L.D
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03/NQ-TU, TP. Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch và đề ra mục tiêu chung là phấn đấu xây dựng thành phố cơ bản trở thành một thành phố có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đưa TP. Bạc Liêu sớm trở thành một trong những vùng có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển khá trong tỉnh…
Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn. Đặc biệt, do vùng sản xuất gần với biển nên chịu tác động khá lớn từ quá trình biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao, mặn xâm nhập, làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, giá cả vật tư, cây - con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện... phục vụ sản xuất thường biến động theo chiều hướng tăng, chất lượng không đảm bảo, gây khó khăn cho sản xuất. Phần lớn diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ; năng suất, sản lượng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo; nhiều mặt hàng nông sản giá trị gia tăng còn thấp. Cùng với đó, nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp rất lớn nhưng nguồn kinh phí đầu tư của nông dân có hạn; việc xây dựng thương hiệu sản xuất rau, củ, quả an toàn theo chương trình VietGAP gặp nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như: thủy lợi, giao thông nông thôn, lưới điện chưa đồng bộ… Đây được xác định là những nguyên nhân cơ bản làm cho sản xuất nông nghiệp chưa được phát huy, chưa tạo được giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để khắc phục những khó khăn trên, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hướng đến xây dựng nền nông nghiệp đô thị, từ nay đến năm 2020, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển toàn diện nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả, gắn với công nghiệp chế biến sâu, thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như tôm và các loại hải sản khác; lúa gạo và các loại rau, quả nhiệt đới... Đồng thời duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng tiểu vùng đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn nhưng khả năng cạnh tranh trung bình (như các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm), phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 2,9 - 3%/năm.
Theo đó, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ, cá kèo, cua biển, nhuyễn thể) trên địa bàn. Quản lý, giám sát và quy hoạch vùng nuôi phù hợp với đặc điểm phát triển thủy sản và điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng sinh thái; giám sát vùng nuôi và môi trường nuôi chặt chẽ; dự báo những sự cố môi trường gây bất lợi cho các vùng nuôi trồng thủy sản để ngăn chặn và khắc phục kịp thời. Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương pháp nuôi; đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, BMP, CoC, ASC…) vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư gây nuôi các đối tượng thủy sản mới có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là khu vực nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh.
Về trồng trọt, thành phố sẽ quy hoạch chi tiết vùng sản xuất lúa, màu, cây ăn quả, làm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Trong đó, sẽ đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lúa trên đơn vị diện tích, nhất là giống mới, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản (ST 20; OM 4900…). Về rau màu, cây ăn trái, thành phố sẽ lựa chọn các sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị như: mô hình Aquaponics, mô hình trồng hoa kiểng, mô hình đưa màu xuống ruộng; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị; thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng 100ha giống nhãn mới (tại xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông và phường Nhà Mát); trồng măng tây xanh…
LÂM VĨNH
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững