Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển du lịch
So với các địa phương khác, hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu trong những năm qua không ngừng tăng trưởng và phát triển với tốc độ nhanh. Bên cạnh lợi thế tập trung nhiều công trình, dự án du lịch trọng điểm, thành phố còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao mang tầm khu vực nên thu hút nhiều du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan.
Xây dựng hình ảnh TP. Bạc Liêu thân thiện, hiếu khách
Một trong những lợi thế mà TP. Bạc Liêu tranh thủ được ngoài vị trí trung tâm kinh tế - hành chính của tỉnh, đến nay thành phố có đến 7 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. Do vậy, lượng khách đến thành phố tham quan, du lịch với bình quân hơn 1 triệu lượt khách/năm, tăng bình quân khoảng 16%/năm. Trong đó, có khoảng 927.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú và 78.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch trên 2.463 tỷ đồng (bình quân khoảng 985 tỷ đồng/năm), tăng bình quân trên 8,4%/năm; trong đó, khối nhà hàng - khách sạn 986 tỷ đồng. Ước tính đến cuối năm 2018, lượng khách đến tham quan, du lịch trên 3.235.000 lượt, doanh thu đạt khoảng 3.196 tỷ đồng.
Có được kết quả đáng phấn khởi trên là do thời gian qua TP. Bạc Liêu đã tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch; tập trung mở rộng tuyến đường Cao Văn Lầu để phục vụ du khách đến tham quan các điểm du lịch chính của thành phố. Đồng thời, tiến hành chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng TP. Bạc Liêu xanh - sạch - đẹp và văn minh, từng bước hiện đại.
Quán âm Phật đài - địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông du khách trong, ngoài nước đến hành hương.
Một trong những công tác đáng ghi nhận nữa là TP. Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và xây dựng hình ảnh du lịch cho một thành phố thân thiện, hiếu khách. Tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến phường - xã, khóm - ấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân tích cực tham gia thực hiện Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 25/4/2016 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động du lịch của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Song song đó, phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương và chỉ đạo các cơ quan, ban ngành thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân, vận động nhân dân về việc thực hiện Luật Du lịch 2017; Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 24/6/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về “đẩy mạnh phát triển du lịch”; Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; các văn bản của Trung ương, của tỉnh và thành phố về công tác quản lý, tổ chức lễ hội…
Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các khu du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua bán hàng đặc sản, lưu niệm về xây dựng phong cách người Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, “văn minh thương mại”, “chợ văn minh”, “nếp sống văn minh” trong các hoạt động mua bán, giao tiếp để tạo ấn tượng tốt cho khách du lịch. Vận động nhân dân thực hiện 18 điều quy định về nếp sống văn minh đô thị, 6 điều quy định về xây dựng tuyến đường kiểu mẫu; kết hợp tuyên truyền tổ chức các đợt ra quân sắp xếp trật tự, chỉnh trang đô thị, thực hiện các tiêu chí đô thị loại II, các tiêu chí phường văn minh đô thị. Đặc biệt, thực hiện công trình, phần việc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên như: “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp không giấy dán quảng cáo”; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”; Câu lạc bộ mua bán hiếu khách, văn minh, lịch thiệp; Câu lạc bộ mua bán đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Lễ hội Dạ cổ hoài lang - một trong những hoạt động văn hóa thu hút du khách. Ảnh: L.D
Tập trung khai thác tiềm năng du lịch
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn còn một số hạn chế như: chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có; các loại hình dịch vụ, các sản phẩm du lịch còn chuyển biến chậm, các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được quan tâm trùng tu còn ít. Hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa tạo được tua, tuyến trong tỉnh; chưa tạo sự liên kết giữa TP. Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL và trong nước. Lượng khách đến đông nhưng thời gian lưu trú không nhiều, hệ thống cơ sở kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch còn thiếu, chưa phong phú; còn hạn chế dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm lưu niệm, tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn đơn điệu. Tính văn minh, tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động du lịch còn hạn chế, dẫn đến các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh thấp, chưa đủ sức “níu chân” du khách.
Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch, từ nay đến năm 2020, TP. Bạc Liêu sẽ tiếp tục khai thác tốt các công trình du lịch đã hoàn thành, tập trung ưu tiên các công trình bức xúc phục vụ phát triển đô thị và du lịch. Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hạ tầng du lịch đã và đang triển khai như: Dự án hạ tầng khu du lịch Nhà Mát (khu II), dự án khu Quán âm Phật đài, đặc biệt là hạng mục Núi Quan Âm, Thiền viện Trúc Lâm (giai đoạn 1), tuyến đường Cao Văn Lầu, khu Công tử Bạc Liêu, công viên cây xanh - chợ hải sản tại Khu du lịch Nhà Mát... Đặc biệt là tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng Khu du lịch Nhà Mát và khu vực lân cận để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhằm đáp ứng các điều kiện đề nghị công nhận là Khu du lịch quốc gia trước năm 2025.
Ngoài ra, TP. Bạc Liêu còn phối hợp với ngành chức năng tỉnh trong việc mời gọi đầu tư các dự án du lịch như: Khu du lịch sinh thái gắn với tham quan điện gió; khu cầu dẫn và dịch vụ du lịch trên biển; các dịch vụ khai thác sông Bạc Liêu phục vụ du lịch; phối hợp với tỉnh triển khai Đề án bảo tồn nhãn cổ giai đoạn tiếp theo kết hợp với việc đầu tư trồng cây Thanh nhãn; xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng…, nhất là phát triển tuyến tàu cao tốc du lịch TP. Bạc Liêu - Hòn Trứng - Côn Đảo; xây dựng các bến tàu, đóng tàu du lịch; xây dựng điểm dừng chân; vận động nhân dân trồng cây xanh, cây ăn trái và tổ chức các dịch vụ du lịch vườn để đưa vào hoạt động tuyến du lịch sinh thái đường sông Bạc Liêu - Vàm Lẽo…
Kim Trung
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững