Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Giải bài toán xóa ngập đô thị
Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập do triều cường và mưa lớn, trong đó TP. Bạc Liêu là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nhất. Tình trạng này tác động tiêu cực đến giao thông, vệ sinh môi trường, hoạt động sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Sau nhiều năm đối mặt, chính quyền các cấp đã dần có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết vấn đề bức xúc này - đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng TP. Bạc Liêu đạt chuẩn đô thị loại I vào cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Triều cường dâng cao gây ngập nhà dân ở phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu).
………………………...............................................................................................................................................................................................
Theo kịch bản biến đổi khí hậu được ban hành theo Quyết định 2577 ngày 26/10/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Khung kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh Bạc Liêu, nước biển dâng lên 30cm (kịch bản thấp nhất) thì toàn tỉnh Bạc Liêu có khoảng 180.113ha bị ngập (chiếm 70% tổng diện tích tự nhiên).
…………………………………………………...........................................................................................................................................................
MƯA TO, KÉO DÀI LÀ NGẬP NẶNG
Mỗi khi có mưa lớn, kéo dài là nhiều tuyến đường, hẻm ở TP. Bạc Liêu biến thành… sông, rạch. Tình trạng ngập nước càng nặng hơn nếu thời điểm mưa trùng với triều cường. So sánh từ thời còn thị xã, rồi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và năm 2014 được công nhận đô thị loại II, người dân TP. Bạc Liêu đúc kết khi cấp đô thị càng cao thì mức độ ngập nước càng sâu, rộng.
Còn theo lý giải của những nhà chuyên môn, do điều kiện tự nhiên, khí tượng và thủy văn, ảnh hưởng của triều biển Đông trong những lúc triều lên hoặc triều cường (cao nhất 2,3m năm 2017), mực nước trong sông, kênh lên cao gây khó tiêu thoát đối với những vùng đất thấp, gây ngập. Đặc biệt vào những thời điểm mưa lớn, kết hợp nước sông Mekong đổ về, tác động cộng hưởng làm cho mực nước dâng cao hơn, dẫn đến tình trạng ngập nghiêm trọng hơn.
Triều cường trên kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau đã gây ngập nhiều tuyến đường nội ô có cao trình thấp như: Lê Văn Duyệt, Hà Huy Tập, Hoàng Diệu, Võ Thị Sáu… Phía Bắc kênh xáng (đoạn từ Cầu Xáng đến Trà Kha) có 17 cống thông ra kênh và 2 trạm bơm (trạm cuối đường Trần Huỳnh và trạm cuối đường Ngô Gia Tự), nhưng chỉ có 6 đầu cống có van lật một chiều, các đầu cống còn lại đóng bằng thủ công. Các đầu cống lắp bằng thủ công còn rò rỉ, các van lật một chiều đóng không sát, 2 trạm bơm không đủ công suất bơm khi triều cường dâng cao.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, hệ thống tiêu thoát nước của thành phố, nhất là khu trung tâm (các phường 1, 3 và 7), hầu hết được xây dựng trên nền đô thị cũ, độ cao nền thấp, và trong tiến trình phát triển, do trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và tiêu thoát nước nói riêng, hệ thống mới - cũ không đồng bộ, bị chia cắt thành từng ô, chênh lệch cao độ. Ngoài ra, việc bê-tông hóa diện tích mặt tại các khu vực đô thị ngày càng tăng, không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm, mà còn tạo ra hiệu ứng ngập cục bộ.
Cùng nhận định như trên, ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), cho biết có 2 nguyên nhân chính khiến thành phố bị ngập là cốt nền thấp và hệ thống cống thông ra kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau chưa kín, không đồng bộ. Qua quan sát cho thấy, vài năm trở lại đây, khi xuất hiện lượng mưa trên 60mm kéo dài 2 - 3 tiếng đồng hồ là thành phố bị ngập do thoát nước kém. Hai trạm bơm hoạt động quá công suất và bị nghẹt rác.
Khoan giếng nước ngầm sẽ làm sụt lún mặt đất (ảnh chụp tại đường Trần Huỳnh, Phường 7, TP. Bạc Liêu).
XÓA NGẬP ĐỂ HƯỚNG ĐẾN ĐÔ THỊ LOẠI I
Trên thực tế, thành phố bị ngập còn do hoạt động của con người, nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh chung của cộng đồng dân cư. Việc xả rác bừa bãi xuống hố ga, kênh, cống và trên đường đã dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước. Xây dựng nhà trái phép, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ, trong khi công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước chưa được thường xuyên, đặc biệt là các khu vực chợ, khu đông dân cư. Bên cạnh đó, công trình thi công bờ kè kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau đoạn qua thành phố chưa hoàn thiện cũng làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước hiện hữu, các đầu cống thông ra kênh. Tất cả đã khiến thoát nước càng khó khăn.
Để khắc phục tình trạng ngập do triều cường gây ra, UBND tỉnh đã phê duyệt Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công để xây dựng 24 cống biển trên tuyến đê biển Đông và 4 cống trên tuyến kè Gành Hào. Đến nay, tỉnh đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 cống lớn (Nhà Mát, Cái Cùng và Huyện Kệ) trên tuyến đê biển Đông.
Vận hành cống trụ đỡ Nhà Mát (TP. Bạc Liêu).
Sở NN&PTNT đã tiến hành đóng cống đập trụ đỡ Nhà Mát để ngăn triều cho TP. Bạc Liêu từ tháng 10/2019. Bước đầu cho thấy, trong thời gian đóng cống Nhà Mát, mực nước triều đã bị cắt trên trục kênh 30/4, giảm ngập trên diện rộng ở TP. Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi và một phần huyện Hòa Bình.
Trong thời gian tới, để chống ngập do triều cường cho thành phố, Sở NN&PTNT đề xuất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thi công dự án kè 2 bên bờ kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau đoạn qua TP. Bạc Liêu phải có giải pháp ngăn triều tràn bờ tại các điểm đang thi công, hoặc các điểm đã giải tỏa nhà dân. Đề nghị Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh khẩn trương kiểm tra, sửa chữa và gia cố 17 cống thông ra kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau để ngăn triều cường xâm nhập vào hệ thống thoát nước; thường xuyên vệ sinh, khai thông cống rãnh, vớt rác tại các song chắn rác ở trạm bơm, cho vận hành các trạm bơm.
Các chuyên gia khuyến nghị Bạc Liêu cần xây nhiều hồ chứa nước mưa để chống ngập. Trong ảnh: Hồ điều hòa ở Phường 1 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: N.Q
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) ban hành Nghị quyết 02, ngày 20/4/2021 về xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I, theo hướng văn minh và từng bước hiện đại. Nghị quyết nêu rõ, để xây dựng và phát triển TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I vào năm 2025, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong những giải pháp là hoàn thiện toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố (kể cả nước mưa và nước thải); sơ đồ số hóa hệ thống thoát nước mưa, nước thải đô thị; giải quyết triệt để tình trạng ngập nước sau mưa lớn và kết hợp thủy triều dâng.
Hiện tại, UBND tỉnh đang lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI). Đây là bước đi tích cực, chủ động để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 02 đề ra, trong đó có xóa tình trạng ngập nước của TP. Bạc Liêu.
NGUYỄN QUỐC
Ý kiến người trong cuộc
Bí thư Thành ủy TP. Bạc Liêu - Huỳnh Hữu Trí: Đã có các phương án chống ngập trên địa bàn thành phố
TP. Bạc Liêu bị ngập là do triều cường và mưa. Để giải quyết tình trạng này, đối với cơ chế từ dưới ngập lên (triều cường), hiện đang vận hành cống trụ đỡ Nhà Mát và Trung ương đã đồng ý chủ trương xây dựng mới 2 cống trên kênh xáng Gành Hào - Hộ Phòng và kênh Vàm Lẽo để điều tiết nước từ biển vào. Tất cả các tuyến đường, hẻm bị ngập nước đã được khảo sát xong trong năm 2020. Trong năm 2021, thành phố sẽ nâng cấp đường Võ Thị Sáu, mỗi phường, xã nâng cấp 2 hẻm. Việc nâng cấp tuyến đường Trần Phú được đưa vào vốn trung hạn 2021 - 2025. Kết hợp đẩy nhanh thi công Tiểu dự án nâng cấp đô thị TP. Bạc Liêu.
Có những lúc trời mưa ngay khi nước ròng, nhưng thành phố vẫn bị ngập là do hệ thống cống không đồng bộ (tiết diện không đều, có một số nơi chưa có hệ thống cống thoát nước, như khu dân cư Nhà máy phát điện, khu dân cư Bắc Trần Huỳnh, khu dân cư Bến xe - Bộ đội Biên phòng…). Đối với các khu dân cư chưa có hệ thống cống thoát nước, sắp tới thành phố sẽ làm việc với chủ đầu tư các dự án này để giải quyết khiếu nại của dân, sớm có mặt bằng thi công hệ thống cống. Cùng với đó, thành phố sẽ thuê Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh nạo vét tất cả khu vực các van thoát nước; nâng công suất các trạm bơm hiện hữu, lắp máy bơm nhỏ tại các hẻm.
Hiện, TP. Bạc Liêu đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy các phương án chống ngập trên địa bàn. Theo đó, có 3 giải pháp căn cơ - đó là nạo vét kênh Trường Sơn (huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu), thi công 2 cống ngăn triều và cải tạo toàn bộ hệ thống cống thoát nước.
Ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở TN-MT: Vận động người dân tham gia quản lý thoát nước, bảo vệ môi trường
Ngập nước đô thị dưới tác động của nhiều nguyên nhân, đặc biệt tác động bất thường của biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề nan giải nêu trên, cần phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị của chính quyền và sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân.
Trước hết, xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng, bản đồ dự báo ngập úng đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo cho cộng đồng dân cư. Lập bản đồ cao độ nền toàn TP. Bạc Liêu để quản lý xây dựng.
Thứ hai, xây dựng đê bao bảo vệ nội ô TP. Bạc Liêu, thiết lập hệ thống đê chắn nước biển, nước sông từ xa, đặt cống ngăn triều; quy hoạch thoát nước theo hướng thoát nước bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tiếp đến, ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước; thường xuyên thu gom bùn rác tại các hố ga, nạo vét bùn lắng trong lòng cống, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, giải tỏa nhà "ổ chuột" trên sông, kênh rạch.
Đồng thời, hạn chế hoặc nghiêm cấm san lấp hồ ao, kênh rạch, hạn chế bê-tông hóa mặt đất. Và cuối cùng là tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào công tác quản lý thoát nước, bảo vệ môi trường.
PGS-TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Trường đại học Cần Thơ: Hạn chế khai thác nước ngầm và xây nhiều hồ chứa nước mưa
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến bất thường, có những thời điểm mưa tập trung rất lớn trùng với thời điểm triều cường gây ra ngập úng ở các nơi thấp trũng. Ngoài ra, việc lún sụt ở Đồng bằng sông Cửu Long còn do hệ quả hoạt động khai thác nước ngầm quá mức và việc gia tăng mật độ xây dựng đô thị ngày càng cao khiến việc ngập úng bị nặng hơn. Giải quyết các hệ quả này là việc khó khăn và tốn kém.
Theo tôi, để hạn chế việc ngập úng, trước hết cần xây dựng các bản đồ ngập úng để có những quyết định quy hoạch đô thị hợp lý, giới hạn việc xây dựng tập trung ở những nơi đất thấp, nền yếu và dễ ngập úng. Những nơi xây dựng mới cần nâng cao cốt nền công trình, hoặc làm nhà trên cọc, cao hơn các mức ngập một khoảng cách an toàn.
Song song đó, phải giới hạn tối đa việc khai thác nước ngầm, tiến đến trám bít các giếng nước quá gần nhau và công suất lớn dễ gây hạ thấp mức nước ngầm. Ở những nơi ngập úng kéo dài, có thể dùng biện pháp bơm nước cưỡng bức kết hợp với một số cống đập ngăn triều.
Đối với địa phương ven biển như ở tỉnh Bạc Liêu, cần tính toán xây dựng một số hồ dự trữ nước mưa. Các hồ chứa có nhiệm vụ giảm bớt úng ngập và có thể dự trữ nước ngọt, cung cấp nước ngọt khi khô hạn, mặn xâm nhập. Trở ngại của giải pháp này là đất đai đô thị thiếu. Khi đào hồ, nên có khảo sát cẩn thận, tránh đào quá sâu, có thể nhiễm phèn hay nhiễm mặn.
Hoạt động nuôi tôm ven biển cũng nên hạn chế sử dụng nước ngầm. Khuyến khích dùng nước ngọt dự trữ ở các hồ để pha loãng độ mặn của nước biển. Nước thải trong tiến trình nuôi tôm cần đưa vào hồ xử lý để tái sử dụng, bảo đảm sự tuần hoàn tốt nhất.
N.Q (thực hiện)
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ