Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Hiệu quả tích cực từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm
Thực hiện Nghị định 61 và 74 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, TP. Bạc Liêu đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt công tác này và bước đầu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Mô hình trồng rau an toàn từ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu).
HƯỚNG ĐẾN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Thời gian qua, thông qua nguồn vốn cho vay, hỗ trợ và mở rộng việc làm đã giúp tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động và góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo. Cụ thể như thực hiện cho vay cải tạo hơn 28.500m2 đất trồng lúa để chuyển sang sản xuất rau màu, nuôi gần 220.000 con gia súc, gia cầm và đầu tư cho nuôi trồng thủy sản với hơn 1 triệu con giống như: tôm, cá, sò huyết... Ngoài ra, các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn TP. Bạc Liêu còn mở rộng hàng trăm mét vuông nhà xưởng sản xuất, cửa hàng kinh doanh; đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; duy trì và phát triển được nhiều mô hình làm ăn, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã…
Từ những mô hình sản xuất trên cho thấy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã giúp giải quyết tốt bài toán việc làm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, hạn chế tình trạng “vay nóng” với lãi suất cao từ các tổ chức tín dụng đen. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ các hộ vay có điều kiện mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Không chỉ thế, khi nguồn vốn ưu đãi này được phát huy còn góp phần cùng với các nguồn lực khác để tập trung đầu tư cho xây dựng nông thôn mới (NTM) như: đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia, trường học, nhà văn hóa... Đồng thời giúp các địa phương giảm tỷ lệ thất nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ngành nghề và hướng đến đạt các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, khi tạo được việc làm, giảm được tỷ lệ thất nghiệp còn hạn chế được các tệ nạn xã hội đối với những đối tượng không có việc làm và thất nghiệp…
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) vay vốn phát triển dự án sản xuất gắn với giải quyết việc làm. Ảnh: T.A
CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì việc phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hằng năm, ngân sách nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm rất thấp, tăng trưởng dư nợ hằng năm chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huy động và nguồn ủy thác từ ngân sách địa phương. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của Chương trình giải quyết việc làm rất lớn nên nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang ngày một tăng cao.
Thêm vào đó, mức cho vay thấp, dư nợ bình quân hiện tại chỉ ở mức 21 triệu đồng/dự án, chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập ở một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, thương mại, tiểu thủ công nghiệp.
Một số dự án sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, chưa thật sự tạo việc làm cho người lao động và làm cho nợ xấu tiếp tục tăng cao. Quy trình cho vay hiện tại đòi hỏi nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động phải thuộc trên cùng một địa bàn phường, xã. Điều này cũng phần nào gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay thực tế tại cơ sở, khi có nhiều lao động cư trú hợp pháp tại phường, xã này nhưng lại có dự án đầu tư ở phường, xã khác thì việc vay vốn từ chương trình này sẽ không đáp ứng đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các ngành chức năng, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là ở các xã nông thôn nơi hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để trồng trọt, chăn nuôi nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro…
TÔ YẾN
----------------------
GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN CHO VAY HỖ TRỢ VIỆC LÀM
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 61 và Nghị định 74 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, năm 2023 này, cùng với nguồn vốn được phân 4 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH tỉnh, UBND TP. Bạc Liêu đã chuyển vốn ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH thành phố cũng đã quyết định phân giao về cho các phường, xã kịp thời.
Trong quý 1/2023, sẽ tiếp tục triển khai giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm sẽ tiếp tục tăng trưởng và giải quyết cơ bản nhu cầu vốn cho người dân trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP. Bạc Liêu sẽ tích cực triển khai giải ngân hoàn thành 100% nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm của tỉnh và thành phố. Tạo lập nguồn vốn cho vay bằng cách tranh thủ nguồn vốn từ nguồn Quỹ quốc gia, Ngân hàng CSXH, vốn ủy thác của địa phương và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tập trung xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu của các hợp tác xã đã giải thể, các khoản nợ Chi nhánh Ngân hàng CSXH cho vay trực tiếp, có thế chấp nhưng chưa xử lý dứt điểm và các khoản nợ đang trong quá trình thi hành án.
Để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu này, UBND TP. Bạc Liêu yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt Kết luận 06, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư và các nghị định: 78, 61, 71 của Chính phủ. Trong đó, chú trọng việc tạo lập nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn an sinh xã hội của thành phố.
Các tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong việc quản lý và triển khai cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, tăng cường công tác phối hợp để tổ chức giải ngân nguồn vốn đến người vay đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.
Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư... nhằm hướng dẫn người dân việc sử dụng vốn hiệu quả, từ đó phát huy tác dụng của chương trình cũng như bảo toàn tốt nguồn vốn của Chính phủ.
Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hộ vay trong việc sử dụng vốn trên địa bàn phường, xã. Tích cực trong việc nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu.
Cùng với đó, đề nghị Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu tốt việc thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, các nghị định của Chính phủ trong việc thực hiện cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn thành phố.
Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, chỉ đạo tổ chức Hội các cấp thực hiện tốt các nội dung công việc nhận ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn…
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường