Nhịp sống đô thị
TP. BẠC LIÊU: HIỆU QUẢ TÍCH CỰC TỪ PHONG TRÀO TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA
Hiện TP. Bạc Liêu có 67/67 khóm, ấp duy trì và giữ vững danh hiệu văn hóa. Con số này thể hiện rất rõ hiệu quả của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) của thành phố trong những năm qua và sẽ tiếp tục được tập trung nâng chất theo chiều sâu trong năm 2025.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu tặng quà Tết cho hộ nghèo ở Phường 2 (TP. Bạc Liêu).
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Trong năm qua, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội; xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, danh hiệu văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, nếp sống văn hóa được củng cố. Đặc biệt, môi trường văn hóa trong gia đình ngày càng được quan tâm, góp phần phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu, bổ sung những giá trị mới, tiến bộ của gia đình thời hiện đại.
Cùng với việc chú trọng các danh hiệu văn hóa, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng được quan tâm, giúp mọi người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng; đặc biệt là những hành vi thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Với nhiều hình thức tuyên truyền như: tổ chức họp dân, đến từng hộ đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa, công khai họp dân, họp tổ để nhận xét chấm điểm công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và việc thực hiện các phong trào hành động cách mạng của quần chúng tại địa phương..., phong trào TDĐKXDĐSVH của thành phố ngày càng đi vào chiều sâu và không ngừng nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, phong trào TDĐKXDĐSVH còn song hành với nhiều phong trào, tiêu biểu là đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2024, các ngành, các cấp từ thành phố đến phường, xã đã tăng cường phối hợp với các đoàn thể vận động Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, hưởng ứng phong trào Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau; vận động doanh nghiệp triển khai các chương trình an sinh xã hội... nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế ổn định cuộc sống; các mô hình giúp đỡ hộ nghèo cũng được các ngành, các cấp, doanh nghiệp, mạnh thường quân và Nhân dân trên địa bàn thành phố đồng tình hưởng ứng. TP. Bạc Liêu đã vận động đóng góp và trích hơn 1,3 tỷ đồng từ Quỹ An sinh xã hội xây dựng 27 căn nhà tình thương cho hộ nghèo; tiến hành trao vốn sản xuất, kết hợp các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ, giúp 118 hộ cận nghèo, 33 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội và hoàn thành mục tiêu toàn thành phố không còn hộ nghèo theo tiêu chí…
Người dân tham gia trò chơi dân gian trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư. Ảnh: K.T
TẠO SỰ LAN TỎA
Cùng với phong trào TDĐKXDĐSVH, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật tại khu dân cư. Để các hoạt động ở khu dân cư đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, quy ước ấp, khóm tiếp tục được xây dựng mới và được các cấp chính quyền quan tâm phê duyệt để áp dụng thực hiện trên địa bàn các khu dân cư. Cuối năm 2024, toàn thành phố đã có 67/67 khóm, ấp xây dựng quy ước hoạt động; duy trì và giữ vững 7/7 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 3/3 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới với 34.659/35.432 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 97,82%, 90/94 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023 - 2024 đạt 95%.
Cùng với đó, xây dựng Người tốt - việc tốt cũng là một trong những phong trào quan trọng được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo trong thời gian qua và tạo sức lan tỏa mạnh. Ban Chỉ đạo thành phố và phường, xã đã chỉ đạo, triển khai thực hiện sâu rộng từ trong cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân thông qua nhiều hình thức thi đua - khen thưởng, bình xét gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương điển hình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (18/11) hằng năm. Phong trào TDĐKXDĐSVH tại các phường, xã đã xuất hiện ngày càng nhiều các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc như: hộ bà Lý Thị Bông (khóm 2, Phường 3) là doanh nghiệp có đóng góp tích cực trong các hoạt động xã hội của địa phương; hộ ông Trần Diệu Cường (khóm 3, Phường 5) được khen thưởng nhiều năm liền với thành tích có các con ăn học thành tài; hộ bà Phạm Thị Liễu (khóm 4, Phường 3) tích cực hưởng ứng phong trào không mua bán, lấn chiếm trên vỉa hè...
Có thể nói, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn TP. Bạc Liêu trong năm 2024 không ngừng phát triển, có sức lan tỏa và thu hút toàn xã hội tham gia. Từ các phong trào thi đua này đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các khu dân cư. Cùng với đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về văn hóa, về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn mới đã có sự chuyển biến tích cực. Vai trò của hệ thống chính trị trong việc xây dựng đời sống văn hóa được phát huy, các mục tiêu, chỉ tiêu văn hóa được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch thực hiện của chính quyền từ thành phố xuống cơ sở.
CHÍ THIỆN
Năm 2025, TP. Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn.
Song song đó, tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo thành phố quan tâm xây dựng, đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là nhà văn hóa và sân thể thao ấp theo tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL. Tích cực thực hiện công tác vận động xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế ở cơ sở. Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, gắn hoạt động của các thiết chế văn hóa với thực tiễn đời sống và nhu cầu của người dân.