Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Hướng đến công tác giảm nghèo bền vững
Hiện nay, hộ nghèo của TP. Bạc Liêu là 290 hộ (chiếm 0,84%), hộ cận nghèo là 839 hộ (chiếm 2,44% tổng số dân trên địa bàn thành phố). Tuy tỷ lệ hộ nghèo còn thấp, nhưng chất lượng các hộ sau thoát nghèo vẫn còn là vấn đề nan giải.
![]() |
Ông Dương Thành Trung, Bí thu Thành ủy TP. Bạc Liêu tặng nhà tình thương cho hộ nghèo năm 2014. Ảnh: Huỳnh Hiếu |
Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo, linh hoạt, phát huy những mô hình có hiệu quả của những năm trước như: phân công đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, hỗ trợ vốn, tặng phương tiện làm ăn, cất nhà tình thương, tiếp cận từng hộ nghèo để thăm hỏi, tìm hiểu nhu cầu họ cần hỗ trợ… Nhiều hộ nghèo bày tỏ sự biết ơn của địa phương dành cho họ, và nhiều hộ trong số đó đã thoát nghèo bằng sự vươn lên của mình.
Năm 2014, TP. Bạc Liêu đưa thêm một vài điểm mới trong công tác giảm nghèo. Đó là điều tra, hỗ trợ hộ nghèo là người dân tộc Hoa, hỗ trợ hộ nghèo bán vé số, hỗ trợ các hộ neo đơn, tàn tật (hộ không có khả năng thoát nghèo) bằng vật chất, gạo, nhu yếu phẩm… Đến nay, gần 560 hộ nghèo và cận nghèo nhận được hỗ trợ, giúp đỡ với gần 1,4 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố đã xây cất 128 căn nhà tình thương cho hộ nghèo; giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho nhiều lao động nghèo. Tính đến cuối năm 2014, thành phố đã có 295 hộ thoát nghèo, 493 hộ thoát cận nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra.
Giúp đỡ hay đỡ đầu hộ nghèo là một chuyện, nhưng có thoát được nghèo và thoát nghèo bền vững hay không còn tùy thuộc vào ý chí phấn đấu vươn lên của chính hộ nghèo đó. Số hộ thoát nghèo năm nay dù vượt chỉ tiêu đề ra (295/250), nhưng số hộ thoát nghèo trên đã chuyển qua hộ cận nghèo là 160 hộ (hơn 54%). Có đơn vị thoát được 14 hộ nghèo nhưng chuyển qua hộ cận nghèo là 12 hộ. Có đơn vị thoát 44 hộ nghèo thì hộ cận nghèo đã là 40 hộ. Thoát nghèo dựa vào số liệu thì nhìn rất “đẹp”, nhưng khi khảo sát thực tế những hộ thoát nghèo, thực chất họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo rất nhỏ, chỉ có… 1.000 đồng theo mức chuẩn nghèo được quy định từ trước đến nay. Cho nên, thoát nghèo trên lý thuyết là vậy, nhưng hoàn cảnh của họ có thể tái nghèo bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, dù tỷ lệ giải quyết việc làm, đào tạo nghề trong năm đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng chất lượng đào tạo và hiệu quả công việc chưa cao. Chủ yếu là đào tạo những ngành nghề phục vụ tại địa phương, không mở được lớp nâng cao. Do vậy, sau khi kết thúc khóa đào tạo, học viên chỉ làm việc tại địa phương do trình độ lao động không đáp ứng yêu cầu của các công ty, nhà máy ngoài tỉnh. Hơn nữa, hộ nghèo và cận nghèo không mặn mà với các lớp đào tạo dạng này vì họ mất ngày công lao động trong lúc học, thay vào đó họ có thể kiếm tiền trang trải hàng ngày. Đây là những khó khăn mà công tác giảm nghèo ở thành phố luôn gặp phải, dẫn đến kết quả thoát nghèo không bền vững.
Từ thực trạng trên, bà Lê Ngọc Minh, Phó phòng LĐ-TB&XH TP. Bạc Liêu đã đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng sau thoát nghèo. Đó là nâng chuẩn hộ nghèo riêng của thành phố, cụ thể như sau: chuẩn nghèo nông thôn <= 520.000 đồng/người/tháng, chuẩn nghèo thành thị <= 650.000 đồng/người/tháng, chuẩn cận nghèo nông thôn từ 521.000 - 650.000 đồng/người/tháng, chuẩn cận nghèo thành thị từ 651.000 - 750.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, cần phân tích chính xác nguyên nhân gây nghèo theo 3 nhóm: nhóm có khả năng thoát nghèo, nhóm không có khả năng thoát nghèo và nhóm chây lười lao động, tệ nạn xã hội. Qua đó, có biện pháp giải quyết một cách căn cơ việc cải thiện chất lượng cuộc sống sau khi thoát nghèo.
Ngọc Vũ
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc hơn 200 cử tri TX. Giá Rai
- Từ ngày 25/4 - 2/5/2025 xuất hiện đợt triều cường mới
- Tổng duyệt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
- TP. Bạc Liêu: Mở cao điểm chỉnh trang đô thị từ ngày 27 đến nghỉ lễ 30/4
- Khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ Hội Cựu chiến binh cơ sở