Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Hướng đến phát triển du lịch cộng đồng

Thứ Tư, 17/04/2019 | 16:16

Thời gian gần đây, du lịch cộng đồng đã và đang trở thành mô hình phát triển mạnh. Lợi ích mang lại từ du lịch cộng đồng không đơn giản là tạo sinh kế cho người dân, mà còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và giữ gìn hệ sinh thái.

Nhà cổ hơn 100 năm của người Hoa ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu).

Đờn ca tài tử phục vụ du khách ở khu vực nhãn cổ xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Du lịch cộng đồng là một trong những mô hình du lịch phát triển mạnh ở nhiều quốc gia. Đối với khu vực ĐBSCL, với điều kiện sinh thái đặc thù đã cho ra đời nhiều mô hình du lịch cộng đồng khá tiêu biểu như: làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), du lịch cồn trái cây (Vĩnh Long), du lịch sinh thái rừng ngập mặn Đất Mũi (Cà Mau)…

Đối với TP. Bạc Liêu, trong định hướng phát triển du lịch sẽ hình thành nhiều loại hình dịch vụ du lịch và trong đó có phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực nào là chuyện phải bàn và cần được tính đến.

Thật ra, phát triển du lịch cộng đồng là việc làm không khó, nhưng không dễ làm. Bởi, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa địa phương với mục đích là tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời đề cao quyền làm chủ, phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Do vậy, yếu tố đầu tiên trong thực hiện mô hình du lịch cộng đồng là phát huy vai trò của cộng đồng ở khu vực đó với chức năng vừa là người tổ chức, vừa là nhà cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch và đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả hộ dân.

Nếu như đến tỉnh Vĩnh Long, du khách có thể tham quan bất cứ vườn trái cây nào trong tỉnh mà không cần phải sử dụng các dịch vụ tại đó. Có nghĩa là thăm vườn trái cây này, nhưng lại tổ chức ăn uống ở vườn trái cây khác cũng được. Làm được điều này là nhờ người dân nhận thức được lợi ích mang tính cộng đồng, không có chuyện tranh giành, chèo kéo du khách.

Xét ở góc độ nào đó, khi tính cộng đồng phát huy sẽ góp phần gắn kết du khách. Du khách xem du lịch cộng đồng như “đang ở nhà của mình”, họ tham gia sinh hoạt, nấu nướng, sản xuất, bắt cá, hái rau… Thông qua các hoạt động này họ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, hòa mình vào thiên nhiên và gắn bó với cộng đồng dân cư ở khu vực. Vì vậy, khi nói đến du lịch cộng đồng là nói đến ba yếu tố chính, đó là: môi trường, du lịch và cộng đồng. Đây cũng là tiền để để phát triển mạnh mô hình du lịch homestay.

Có thể thấy, khu du lịch biển nhãn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) với nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Bởi hai khu vực này tập trung khá đông đồng bào dân tộc Hoa và Khmer nên thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng từ việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống và lễ hội. Cụ thể như đối với cộng đồng người Hoa nên phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái vườn và homestay để du khách tự trải nghiệm từ các ngôi nhà cổ có tuổi thọ hơn 100 năm được xây dựng theo lối kiến trúc của người Hoa. Du khách cùng họ làm rẫy, bắt cá, làm rượu nhãn, nấu nhiều món ăn của người Hoa… Và điều này tạo nên sự thích thú cho du khách.

Một vấn đề quan trọng khác là khi du lịch cộng đồng được phát huy, mang lại lợi ích thiết thực sẽ góp phần bảo tồn hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Cụ thể là người dân sẽ chăm sóc và giữ gìn cây nhãn cổ thay vì phải chặt bỏ. Đồng thời Nhà nước sẽ không phải đầu tư tiền tỷ để thực hiện đề án bảo tồn nhãn cổ khi cây nhãn đã tạo được sinh kế cho người dân.

Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra từ phát triển du lịch cộng đồng và tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách chính là những trải nghiệm về văn hóa. Do vậy, phát triển du lịch cộng đồng cần quan tâm phát huy vai trò của văn hóa, mà bản sắc văn hóa chính là đặc trưng tạo nên tính cạnh tranh và làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch.

Để phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, cùng với việc quảng bá về giá trị văn hóa thì cần phát huy vai trò chủ thể là người dân. Bởi, khi tạo được sinh kế thì người dân cảm thấy có trách nhiệm lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch.

Với phương châm “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”, việc nghiên cứu và phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở khu vực biển nhãn Bạc Liêu sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đồng thời bổ sung thêm một mô hình du lịch mới vốn rất giàu tiềm năng, thế mạnh cần được khai thác.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.