Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Huy động nhiều nguồn lực cho phát triển CN-TTCN

Thứ Tư, 24/08/2022 | 18:22

So với những địa phương khác, TP. Bạc Liêu hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Đây chính là tiền đề để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Lao động tại Nhà máy may VINATEX Bạc Liêu (Khu công nghiệp Trà Kha, TP. Bạc Liêu).

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ HỢP LÝ

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, phát huy vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh để phát triển CN-TTCN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh các thành phần kinh tế và huy động nguồn lực, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển CN-TTCN.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển một số ngành CN-TTCN nền tảng, ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi các lĩnh vực thế mạnh như: công nghiệp xây dựng, dân dụng, thực phẩm, may mặc, cơ khí, chế biến nông sản - thủy sản. Đồng thời, chú trọng phát triển các cơ sở công nghiệp sơ chế nông sản ở nông thôn; tăng cường định hướng chiến lược trong phát triển CN-TTCN; chủ động phối hợp xúc tiến đầu tư, hợp tác, liên kết để phát triển; phối hợp triển khai các dự án công nghiệp mang tính động lực trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao phù hợp với kinh tế thị trường và xu thế phát triển...

Lao động tại Công ty CP muối Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh

QUY HOẠCH TÍCH HỢP

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hoàn thành các mục tiêu trong phát triển CN-TTCN là TP. Bạc Liêu sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện công tác quy hoạch thành phố phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tích hợp các phương án theo mô hình quy hoạch như: Phát triển điện lực, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển khu CN-TTCN, làng nghề; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản; phát triển vùng nông nghiệp sản xuất ổn định, chất lượng cao, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, lưỡng dụng và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của thành phố và một số ngành, lĩnh vực khác.

Cùng với đó, thành phố sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp, tổ chức quản lý chặt chẽ đất công, đất quy hoạch phát triển công trình năng lượng, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp đã được phê duyệt, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, linh hoạt, sẵn sàng bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN khi có yêu cầu. Đặc biệt là sẽ gắn kết chặt chẽ các chương trình phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I với phát triển hạ tầng CN-TTCN. Tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện các dự án nâng cấp các tuyến đường nội ô. Tích cực tranh thủ các nguồn vốn để triển khai các công trình giao thông trọng điểm, có tính liên kết như: các trục giao thông hướng tâm, xuyên tâm, đường vành đai ngoài, đường từ cầu Tôn Đức Thắng đi đê biển Đông, đường Trần Huỳnh nối dài, nâng cấp đường Trần Phú, đường 23 tháng 8; đề xuất mở rộng đường Thuận Hòa - Xiêm Cán - đê biển Đông, đường Bạc Liêu - Hưng Thành, xây dựng cầu Bạc Liêu 4, Bạc Liêu 5 và 2 trục giao thông phía Nam, phía Bắc sông Bạc Liêu, xây dựng bến xe liên tỉnh phía Bắc thành phố; triển khai các dự án xử lý nước thải, rác thải. Kiến nghị tỉnh và Trung ương  sớm triển khai một số công trình như: nạo vét kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, nâng cấp tuyến đường Nam sông Hậu, mở rộng Quốc lộ IA (đoạn đi qua địa bàn thành phố). Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu vùng nuôi tôm siêu thâm canh, các công trình thủy lợi, ô đê bao khép kín, cống ngăn triều chống ngập, trạm bơm, các dự án kè, bến cá; đẩy mạnh phát triển CN-TTCN chế biến nông - thủy sản, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp nâng cấp hệ thống hạ tầng điện phục vụ sản xuất, các tuyến điện nông thôn và hệ thống điện thắp sáng. Tích cực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ cho phát triển CN-TTCN trên địa bàn thành phố… 

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các loại hình doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, thu hút đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư, kỹ thuật viên có tay nghề cao; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển ngành vật liệu xây dựng, đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, thi công, bảo trì nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc gia, góp phần phát triển ngành công nghiệp xây dựng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Đẩy mạnh mời gọi đầu tư xây dựng phát triển nhà máy, cơ sở công nghiệp cơ khí, chế tạo và sửa chữa phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa trong nông nghiệp và phục vụ đời sống người dân nông thôn. Thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất trang thiết bị phục vụ cho ngành Điện, sản xuất dược phẩm, lắp ráp điện tử, điện gia dụng, thiết bị tin học, may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất nước giải khát, nước uống đóng chai, nước ép trái cây đóng hộp, các sản phẩm từ yến sào... trên địa bàn thành phố…

Phấn đấu đến năm 2025:

- Chỉ số phát triển sản xuất CN-TTCN đến năm 2025 tăng 15% (tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt 14,75%).

- Đảm bảo phát triển ổn định tỷ trọng CN-TTCN trong cơ cấu kinh tế của thành phố (giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 42% trở lên.

- Tổng số cơ sở sản xuất đến năm 2025 là 1.200 cơ sở; số lao động 4.500 lao động.

- Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đến năm 2025 đạt từ 17.690 tỷ đồng trở lên.

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,98%; trong đó, sử dụng điện phục vụ sản xuất đạt 100%.

* Định hướng đến năm 2030:

- Chỉ số phát triển sản xuất CN-TTCN đến năm 2030 tăng 15,25% (tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2025 - 2030 đạt 15%).

- Đưa tỷ trọng CN-TTCN trong cơ cấu kinh tế của thành phố (giá hiện hành) đến năm 2030 đạt 43%.

- Tổng số cơ sở sản xuất đến năm 2030 là 1.500 cơ sở; số lao động 5.000 lao động.

- Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đến năm 2030 đạt từ 20.344 tỷ đồng.

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất đạt 100%.

LÊ VIỆT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.