Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Huy động nhiều nguồn lực cho phát triển du lịch

Thứ Tư, 28/08/2019 | 15:24

Thời gian qua, Thành ủy TP. Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thành ủy xác định phải tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên thi đua thực hiện nghị quyết với quyết tâm đưa thành phố trở thành trung tâm du lịch của tỉnh.

Du khách tham quan Hội xuân năm 2019 tổ chức tại phường 3 (TP. Bạc Liêu).

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, TP. Bạc Liêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội trong việc tham gia phát triển du lịch và bảo đảm môi trường, văn minh du lịch, an ninh trật tự và an toàn xã hội trong hoạt động du lịch. Qua đó hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch thành phố toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng dịch vụ và đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thành phố thật sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng.

Để hoàn thành mục tiêu này, Thành ủy TP. Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, địa phương đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch phải đảm bảo nhất quán về quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trọng tâm là đổi mới tư duy, hành động với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.

Cùng với đó là tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân về Nghị quyết số 11-NQ/TU, để nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, có khả năng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Đặc biệt là gắn phát triển du lịch với thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng phong cách “Người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”. Xây dựng văn minh thương mại, chợ văn minh, nếp sống văn minh nơi công cộng để tạo ấn tượng tốt, thân thiện đối với khách du lịch. Phát động cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch.

Thi công tuyến đường Cao Văn Lầu phục vụ phát triển du lịch.​ Ảnh: K.T

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TU được Thành ủy TP. Bạc Liêu xác định là huy động nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng du lịch. Đó là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông, tranh thủ các nguồn vốn để cải tạo, mở rộng các tuyến giao thông đến các khu, điểm du lịch, các di tích văn hóa - lịch sử, cách mạng để phục vụ du khách, nhất là tuyến đường Cao Văn Lầu, tuyến đê biển nối khu Quán âm Phật đài và Nhà máy điện gió, tuyến du lịch đường sông Bạc Liêu - Vàm Lẽo, tuyến du lịch ven biển Nhà Mát - Cái Cùng. Đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về du lịch, nhất là các dự án về dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án quy mô lớn, chất lượng cao. Tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hạ tầng du lịch đã và đang triển khai như: Dự án hạ tầng khu du lịch Nhà Mát (khu II), dự án khu Quán âm Phật đài, hạng mục Núi Quan Âm, Thiền viện Trúc Lâm (giai đoạn 1), khu du lịch Công tử Bạc Liêu, công viên cây xanh - chợ hải sản tại khu Du lịch Nhà Mát... Phấn đấu đến năm 2030 đưa thành phố trở thành đô thị du lịch.

Ngoài ra, thành phố sẽ kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống khách sạn đạt chuẩn 4 - 5 sao như: Khách sạn Trần Vinh, khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu Bungalow của Công ty Ô tô Bảo Toàn, khách sạn New Palace; nâng cấp một số nhà nghỉ du lịch trở thành khách sạn 1 sao, nhà trọ đạt chuẩn lên nhà nghỉ du lịch... Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện chợ đêm ẩm thực Bạc Liêu theo hướng chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại. Cụ thể, sắp xếp lại theo thứ tự đoạn đầu chợ đêm chuyển đổi từ kinh doanh ăn uống, bán hoa sang kinh doanh các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; đoạn tiếp theo sắp xếp cho các hộ kinh doanh ăn uống; đoạn chợ đêm Ngô Gia Tự chuyển thành 2 nhóm kinh doanh (bán các mặt hàng đặc trưng của Bạc Liêu như bồn bồn, thanh nhãn, bánh in, bánh pía, mắm, rượu, các loại khô thủy sản...); và đoạn giáp với đường Hòa Bình kinh doanh hàng may mặc, gia dụng.

Song song đó, mời gọi, thu hút các nhà đầu tư các dự án phát triển du lịch, các công trình văn hóa, thể dục - thể thao gắn với phát triển du lịch; hình thành một số tuyến phố đi bộ tại phường 1, phường 3, phường Nhà Mát kết hợp với tổ chức biểu diễn nghệ thuật dân tộc phục vụ khách du lịch và bảo tồn những nét văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, các trò chơi dân gian để thu hút, giữ chân du khách.

Nguyễn Đào

---------------------------------------------------------------

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, TP. Bạc Liêu phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sau:

Phấn đấu đến năm 2020 thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Đến năm 2025, du lịch TP. Bạc Liêu có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ. Sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có tính cạnh tranh cao. Xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của tỉnh. Thu hút hơn 4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt khoảng 8.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động; có 10 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, 1 điểm du lịch (Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là điểm du lịch quốc gia.

Đến năm 2030, du lịch thành phố phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp, là trung tâm du lịch của tỉnh về quy mô và chất lượng. Thu hút hơn 8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động; có 15 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, 2 điểm du lịch được Thủ tướng Chính phủ công nhận là điểm du lịch quốc gia.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.