Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Không ngừng phát huy và nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Bạc Liêu đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên công đoàn và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
LĐLĐ TP. Bạc Liêu tặng quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, làm tốt vai trò “cầu nối”, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động (NLĐ); xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và NLĐ. Qua đó, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước…
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, LĐLĐ TP. Bạc Liêu đã xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và địa phương về “đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với nhiệm vụ thường xuyên của các cấp Công đoàn trong toàn thành phố.
Ngoài ra, LĐLĐ thành phố đã tham mưu cho Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy TP. Bạc Liêu chỉ đạo các cấp ủy Đảng trong toàn thành phố tập trung triển khai, quán triệt Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả và quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, NLĐ ở các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo vận động thành lập Công đoàn trong doanh nghiệp, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy và Chủ tịch LĐLĐ thành phố làm Phó ban, cùng thành viên là lãnh đạo các ngành và địa phương. Ngoài ra, UBND TP. Bạc Liêu cũng đã có văn bản triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn đề nghị các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để thành lập tổ chức CĐCS trong doanh nghiệp.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ấy, trong nhiệm kỳ qua, LĐLĐ thành phố đã thành lập mới 8 CĐCS, nâng tổng số CĐCS trực thuộc LĐLĐ thành phố đến nay 94 CĐCS; phát triển mới 850 đoàn viên, nâng tổng số đoàn viên công đoàn đến nay gần 3.600.
Cùng với việc thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, LĐLĐ thành phố còn phát huy vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và NLĐ. Cũng như tham gia đóng góp, xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức Công đoàn; tích cực triển khai, tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến cán bộ, công nhân viên chức, NLĐ và tổ chức Công đoàn, đặc biệt là Luật Lao động, Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở, Luật Công chức, Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung năm 2019, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Thành lập tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động. Ảnh: K.T
NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Qua triển khai thực hiện công tác phát triển đoàn viên công đoàn và thành lập CĐCS, LĐLĐ thành phố đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Đó là phải triển khai, quán triệt đầy đủ, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động của các cấp Công đoàn, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Công đoàn cấp trên và của cấp ủy đảng.
Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chuyên môn, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp và các đoàn thể cùng cấp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động Công đoàn, đặc biệt là phát triển đoàn viên công đoàn và thành lập CĐCS trong doanh nghiệp.
Cùng với đó, chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ, nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, nhằm phát huy tính tự giác, tự nguyện gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn của NLĐ. Đặc biệt, phải chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu tổ chức các phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn một cách bài bản, có chiều sâu, mang tính lâu dài, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoạt động công đoàn.
Một bài học đáng quan tâm nữa chính là phải phát huy tốt vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, nhất là nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đoàn viên công đoàn và thành lập CĐCS trong doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ thời gian thực hiện và hoàn thành, chỉ đạo phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, kiên trì đến nơi đến chốn; trong phân công, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm…
NGUYỄN ĐÀO
Để làm tốt công tác phát triển công đoàn viên, thành lập mới CĐCS trong doanh nghiệp, LĐLĐ TP. Bạc Liêu sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp như:
Tiếp tục triển khai, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Công đoàn.
Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống giai cấp công nhân và truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng; nâng cao giác ngộ giai cấp, tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Xây dựng và nhân rộng các phương thức, mô hình tập hợp đoàn viên, NLĐ thích ứng với tình hình và điều kiện của đơn vị, địa phương; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng để thu hút, tập hợp, định hướng cho công nhân, NLĐ về tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Công đoàn và yêu cầu bảo đảm quyền của NLĐ được tham gia và hoạt động trong tổ chức Công đoàn theo quy định của pháp luật. Xây dựng tổ chức Công đoàn theo phương châm “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Công đoàn”.