Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Làm gì để phát triển mạnh du lịch sinh thái?
Một trong những mục tiêu quan trọng được TP. Bạc Liêu tập trung chỉ đạo trong năm 2020 là phát triển mạnh về du lịch. Trong đó, thành phố sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái và xem đây là khâu đột phá.
Biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách tại khu du lịch Giồng Nhãn (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu).
Năm 2019, thành phố đã đón tiếp trên 1,62 triệu lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ; tổng doanh thu dịch vụ du lịch khoảng 1.750 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, lượng khách đến TP. Bạc Liêu tăng gấp 4 lần, góp phần cho tổng doanh thu dịch vụ du lịch tăng thêm 20% với gần 43 tỷ đồng.
Khảo sát lượng khách đến tham quan các điểm du lịch trong tháng 1/2020, phần lớn du khách tập trung chủ yếu ở tuyến ven biển Bạc Liêu. Do vậy, một trong những mục tiêu quan trọng cho phát triển du lịch năm nay là thành phố sẽ tập trung cho tuyến du lịch trọng điểm này. Theo ông Huỳnh Quốc Ca, Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: “Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, năm 2020, thành phố sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nhất là tuyến du lịch Giồng Nhãn và du lịch văn hóa biển”.
Phát triển du lịch sinh thái tuyến ven biển Bạc Liêu đã và đang trở thành nhu cầu cho phát triển du lịch hiện nay. Với vị trí địa lý, các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa và các dự án du lịch đã và đang triển khai ở tuyến ven biển hứa hẹn sẽ tạo nên một quần thể du lịch phát triển năng động gắn với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch. Điển hình như du lịch văn hóa tâm linh có lễ vía Bà Nam Hải; du lịch văn hóa có các di tích kiến trúc nghệ thuật của cộng đồng người Hoa và đồng bào Khmer; du lịch vui chơi và ẩm thực có khu du lịch biển nhân tạo Nhà Mát và điện gió… Ngoài ra, trong tương lai gần, các khu du lịch ven biển còn là nơi tham quan, vui chơi và giải trí chất lượng cao gắn với các dự án phát triển con tôm ứng dụng công nghệ cao; các dự án phát triển du lịch, khu thương mại và nhà phố hiện đại từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Du khách tham quan chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).
Tuy nhiên, để khai thác, phát huy thế mạnh du lịch sinh thái ở khu vực ven biển thì cũng còn nhiều chuyện phải bàn. Một trong những vấn đề cần quan tâm là quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch sinh thái. Làm được điều này không chỉ tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, góp phần thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển du lịch sinh thái, mà còn giải quyết những khó khăn, bất cập vốn trở thành lực cản trong phát triển du lịch.
Thực tiễn đã chứng minh, do chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch sinh thái nên thiếu vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước trong việc hoạch định chính sách, cơ chế hỗ trợ và mô hình quản lý chuyên nghiệp, từ đó dẫn đến chuyện mạnh ai nấy làm. Kéo theo đó, nguồn lực đầu tư bị phân tán, tiềm năng và thế mạnh về du lịch sinh thái chưa được phát huy. Đơn cử như du lịch tuyến Giồng Nhãn, ngoài bánh xèo và các món chế biến từ hải sản thì đến nay vẫn chưa có món ăn mang tính đặc thù của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer để du khách trải nghiệm. Trong khi đó, khu du lịch Giồng Nhãn (xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông) có những vườn nhãn dài hàng cây số. Vì vậy, ngành quản lý nên quy hoạch và phát triển thêm hệ thống kênh mương, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn trái và phát triển mô hình du lịch homestay để du khách trải nghiệm (vừa bắt cá và tự tổ chức ấu ăn). Ngoài ra, việc phát triển các mô hình trồng rừng, nuôi nghêu, sò và các loại thủy sản khác gắn với tham quan các công trình điện gió ở tuyến ven biển cũng sẽ góp phần phát triển các mô hình du lịch sinh thái…
Du khách chọn mua hải sản tại khu du lịch Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
Cùng với ban hành quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch sinh thái, TP. Bạc Liêu cần xây dựng một mô hình mẫu ở khu vực ven biển. Sau đó, đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng và tạo sản phẩm mới đưa vào phục vụ các tua du lịch. Trong đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc giới thiệu sản phẩm du lịch mới mang màu sắc Bạc Liêu. Để làm tốt việc này, cùng với phát động phong trào “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”, thành phố cần phát huy vai trò của người dân và người dân chính là chủ thể quyết định chất lượng sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh các mô hình liên kết, hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp tham gia phát triển mô hình du lịch sinh thái theo hướng chuyên nghiệp.
LƯ LÂM
-------------------------------------------------------------------
Năm 2020, TP. Bạc Liêu tiếp tục thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch, các chương trình phát triển du lịch của tỉnh, kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch vùng ven biển...
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; xã hội hóa hình thức tổ chức các hoạt động về du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch gắn với xây dựng các thương hiệu ẩm thực Bạc Liêu. Kết nối các di tích, các khu, điểm du lịch trên địa bàn; hình thành các tua, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu, phố đi bộ phục vụ phát triển du lịch.
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ