Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em
Trong những năm qua, TP. Bạc Liêu đã tích cực triển khai thực hiện tốt Luật Trẻ em năm 2016 và mang lại những kết quả đáng phấn khởi.
Trao học bổng cho trẻ em học giỏi trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
TP. Bạc Liêu hiện có 26.770 trẻ em và các em luôn được các cấp chính quyền, gia đình và cộng đồng xã hội quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển toàn diện. Để thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND các phường, xã triển khai thực hiện thăm, tặng quà, tổ chức lồng ghép tuyên truyền các chính sách về trẻ em. Cụ thể như tuyên truyền, phát động nhân Tháng hành động Vì trẻ em, nhất là tăng cường tuyên truyền về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; các chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số. Cũng như, tổ chức các hoạt động truyền thông kiến thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng, khu dân cư về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Kết quả, các đơn vị chức năng đã phối hợp tuyên truyền được hơn 40 cuộc, có 1.715 lượt người tham dự. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác chăm lo cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em tích cực tham gia các hoạt động của bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội.
Cùng với công tác này, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn luôn được ưu tiên, dành nguồn lực giúp đỡ bằng nhiều hình thức như: trợ cấp, hỗ trợ, trao học bổng, thăm hỏi, tặng quà, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí và chăm sóc bằng các hình thức khác... Trong khi đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ bảo hộ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng theo quy định của pháp luật cũng được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 252 trẻ em khuyết tật và địa phương đã tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp các em được tiếp cận các dịch vụ bảo hộ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.
Ngoài ra, UBND TP. Bạc Liêu còn chỉ đạo ngành Giáo dục và Y tế có kế hoạch chăm sóc trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện cho các em khuyết tật trong độ tuổi đi học được đến trường, hỗ trợ cấp học bổng, dụng cụ học tập, sách vở, chăm sóc sức khỏe, dụng cụ chỉnh hình, máy trợ thính… Đồng thời, chỉ đạo các trường học thực hiện chính sách miễn, giảm học phí đối với trẻ em khuyết tật và các khoản đóng góp xây dựng trường theo quy định. Tuy nhiên, do thành phố không có trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ khuyết tật nên các trường mầm non và trường phổ thông trên địa bàn chỉ nhận những trường hợp trẻ khuyết tật có khả năng học tập để giáo dục hòa nhập và có đánh giá riêng kết quả học tập của trẻ. Hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố đều thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật kịp thời, đảm bảo đầy đủ, đúng chế độ. Các trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học có khả năng đến trường, có nhu cầu học tập đều được tạo điều kiện để đi học. Đối với các trường hợp trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi... luôn được quan tâm và hỗ trợ theo quy định.
Công trình măng non “Vườn rau của em” được thực hiện tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (Phường 1, TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A
CHUNG TAY CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM
Để trẻ em được vui chơi, giải trí và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ, các ngành, các cấp trong TP. Bạc Liêu đã nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn thông qua nhiều hình thức và giải pháp. Điển hình như ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường thành lập các câu lạc bộ nhằm tạo hứng thú trong học tập cho học sinh. Các câu lạc bộ này không chỉ thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp trẻ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, mà còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng trường học hạnh phúc. Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép vào các tiết học, buổi sinh hoạt giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau giờ học và hỗ trợ phát triển nhiều kỹ năng sống quan trọng. Đồng thời, thông các hoạt động này còn giúp phát triển óc sáng tạo, năng khiếu, rèn luyện nhân cách, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Hay các tổ chức Đoàn Thanh niên cũng đã quan tâm và thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các mô hình tiêu biểu như: mô hình “Đảm nhận đỡ đầu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”, chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi TP. Bạc Liêu”, “Gian hàng ẩm thực”, “Gian hàng giúp bạn đến trường”, “Gian hàng 1.000 đồng”, công trình măng non “Vườn rau của em”… Từ năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Thành đoàn TP. Bạc Liêu đã xây dựng 10 công trình sân chơi cho thiếu nhi và đã bàn giao cho các đơn vị phường, xã có đông thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 70 triệu đồng/công trình, giúp các em thiếu nhi có nơi vui chơi - giải trí an toàn, lành mạnh, bổ ích để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Có thể nói, công tác chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành và toàn xã hội. Trong đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân được tăng cường, thực hiện liên tục và có hiệu quả trong việc thực hiện công tác này.
Tuy nhiên, công tác rà soát, thực hiện hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật vẫn còn tồn tại bất cập, do phần lớn trẻ em khuyết tật khó tiếp cận. Thành phố còn khó khăn về ngân sách nên kinh phí thực hiện cho công tác trẻ em nói chung và công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật vẫn còn hạn chế. Không thực hiện được mô hình giáo dục chuyên biệt nên làm cho phần lớn trẻ khuyết tật bị thất học. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện chương trình giáo dục học sinh khuyết tật. Cùng với đó, cán bộ phụ trách lĩnh vực trẻ em còn kiêm nhiệm nhiều việc, chưa được đào tạo hay đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này, dẫn đến việc đầu tư về thời gian và công sức cho công tác bảo vệ trẻ em còn hạn chế…
CHÍ THIỆN
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, UBND TP. Bạc Liêu đề ra một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền về thực hiện Luật Trẻ em, các chính sách để hỗ trợ trẻ em được tiếp cận các dịch vụ bảo hộ, chăm sóc, giáo dục theo quy định của pháp luật.
Các ban, ngành thành phố và UBND các phường, xã nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Trẻ em, kế hoạch của UBND thành phố một cách hiệu quả.
Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình liên quan tới trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng theo Luật Người khuyết tật.
Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em khuyết tật theo quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, đề nghị tỉnh sớm đầu tư xây dựng trường chuyên biệt dành riêng cho người khuyết tật, để tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được vào học và hòa nhập cộng đồng. Tăng cường, nâng mức đầu tư nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thúc đẩy thực hiện quyền của trẻ em tốt hơn...