Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), thời gian qua TP. Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp hữu hiệu, qua đó góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho LĐNT.
Đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền
Với việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP. Bạc Liêu đều tăng theo hàng năm. Nếu năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 38,97% thì đến năm 2018 là 54% và thành phố đang phấn đấu đạt 58% vào cuối năm nay. Riêng 10 tháng của năm 2020, đã tổ chức hơn 10 lớp đào tạo nghề cho LĐNT và thu hút gần 400 học viên tham dự. Ngoài ra, số người theo học nghề ở các trường cao đẳng, đại học, hoặc theo hình thức truyền nghề ở các cơ sở… khoảng 2.315 người, nâng tổng số lao động được đào tạo nghề trên 2.700 lao động, đạt 180% kế hoạch.
Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian qua là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố trong việc điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu lao động tham gia học nghề ngay từ đầu năm, từ đó, đề ra kế hoạch đào tạo nghề sát với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề cũng được thực hiện thường xuyên, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sai sót trong công tác đào tạo nghề.
Đào tạo nghề sửa chữa máy vi tính cho LĐNT ở Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu.
Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT. Cụ thể như, chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Thành đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Phòng Kinh tế thành phố tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho người lao động, tư vấn tại gia đình, tư vấn tại các điểm giao dịch việc làm phường - xã, tổ chức tư vấn lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt khu dân cư… Đồng thời, còn lồng ghép các lớp đào tạo nghề vào các dự án khuyến nông, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho LĐNT.
Chống tái nghèo từ đào tạo nghề
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo và chống tái nghèo, TP. Bạc Liêu xác định tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là giải pháp hàng đầu. Vì vậy, từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, thành phố phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho 3.500 LĐNT. Theo đó, thành phố sẽ ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, quân nhân xuất ngũ, LĐNT bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế, các đối tượng chính sách (lao động nữ, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất nông nghiệp, người có công với cách mạng) và đào tạo nghề gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương…
Đi cùng với các giải pháp trên là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT với hình thức thích hợp và đa dạng hóa ngành nghề; giúp người lao động có tay nghề, công cụ sản xuất làm nghề phù hợp để họ tự tạo việc làm, có thu nhập, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Tập trung các nghề phổ thông, nghề phù hợp với trình độ của LĐNT, lao động nghèo. Đặc biệt, cần liên kết với các doanh nghiệp đào tạo lao động, quan tâm việc định hướng và chọn những nghề phù hợp để sau khi học nghề người lao động sẽ có việc làm ngay…
Nông dân thực hiện mô hình nuôi vịt siêu thịt sau khi tham gia khóa đào tạo nghề. Ảnh: L.H
Trên thực tế, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của TP. Bạc Liêu vẫn còn gặp một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn thiếu và chưa đồng bộ; một số đối tượng khó huy động tham gia các lớp đào tạo nghề…, thế nhưng thông qua việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã tạo được chuyển biến tích cực trong cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thành phố về vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nhiều người dân có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, có điều kiện đi xuất khẩu lao động hoặc tự tạo việc làm ngay tại gia đình, địa phương. Từ đó, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
………….................................................................................................................................................................................................................
Tiếp tục thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, UBND TP. Bạc Liêu kiến nghị UBND tỉnh cho bổ sung một cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý dạy nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg. Đồng thời, mỗi năm mở ít nhất một lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ phường - xã làm công tác đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, kiến nghị điều chỉnh độ tuổi đối với nữ là đủ 60 tuổi, đối với nam là đủ 62 tuổi được tham gia học nghề; Bổ sung giáo viên đủ điều kiện để dạy các nghề có trong danh mục dạy nghề đã được phê duyệt và hỗ trợ kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tuyên truyền tư vấn.
……….....................................................................................................................................................................................................................
Nguyễn Thành
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ