Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Nâng cao chất lượng dịch vụ để phát triển du lịch
Năm 2018, tổng doanh thu dịch vụ du lịch của TP. Bạc Liêu đạt 1.290 tỷ đồng (tăng gần 39% so với năm 2017) và đón trên 1,3 triệu lượt khách (tăng trên 9% so với năm 2017). Phát huy kết quả này, năm 2019 thành phố sẽ tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ hướng đến xây dựng một thành phố du lịch văn minh, hiện đại trong tương lai.
Du khách tham quan, chiêm bái Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu).
Đờn ca tài tử phục vụ du khách ở Khu du lịch vườn nhãn (TP. Bạc Liêu).
Giới thiệu món ăn Bạc Liêu tại Hội chợ thương mại - du lịch năm 2019. Ảnh: L.D
ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM
Thời gian qua, nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được nâng lên, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân thành phố. Từ đó tạo được sự đồng thuận, huy động toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch. TP. Bạc Liêu hiện có 7 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là thành phố vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có; các loại hình dịch vụ, các sản phẩm du lịch còn chuyển biến chậm, các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được trùng tu còn ít. Hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa tạo được tua, tuyến du lịch trong tỉnh; chưa tạo sự liên kết giữa TP. Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và trong nước. Lượng khách đến thành phố khá lớn nhưng thời gian lưu trú không nhiều. Hệ thống cơ sở kỹ thuật dịch vụ còn thiếu, chưa phong phú, đa dạng; hoạt động vui chơi giải trí chưa thu hút du khách. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm lưu niệm, tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn đơn điệu. Tính văn minh, chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động du lịch còn hạn chế, các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh thấp…
Để tháo gỡ các khó khăn, hạn chế trên, năm 2019, TP. Bạc Liêu xác định phải dựa vào tiềm năng, thế mạnh địa phương để tập trung phát triển du lịch, quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố.
Theo đó, thành phố sẽ phát huy, khai thác có hiệu quả 7 điểm du lịch tiêu biểu đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận; kết nối tua, tuyến du lịch với khu vực và cả nước. Đồng thời xây dựng thêm 2 điểm du lịch là Vườn chim và Điện gió Bạc Liêu, đề nghị Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thẩm định, công nhận là điểm du lịch tiêu biểu; xây dựng Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khu du lịch phường Nhà Mát trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia (theo Luật Du lịch).
Bên cạnh đó, thành phố tập trung củng cố, xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch và vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, nhân dân đầu tư làm nhiều sản phẩm lưu niệm từ vỏ nghêu, sò, ốc, cây nhãn, nón, móc khóa, đờn kìm cách điệu; các loại sách, tranh, ảnh, đĩa cổ nhạc về Bạc Liêu; các sản phẩm du lịch đặc trưng tại các điểm du lịch tín ngưỡng trên địa bàn. Phát triển, nâng cao chất lượng, từng bước tạo thương hiệu các loại rượu, thực phẩm đặc trưng phục vụ du lịch như: rượu công-xi, rượu nhãn, bánh xèo, các thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, khô, dưa bồn bồn, ba khía, mắm… của Bạc Liêu.
NÂNG CHẤT DỊCH VỤ
Đối với phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch, TP. Bạc Liêu sẽ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng dịch vụ trong dịp lễ, tết và các sự kiện lớn của thành phố. Tuyên truyền các khu du lịch, các cơ sở kinh doanh ăn uống, bán hàng đặc sản, lưu niệm thực hiện phong cách phục vụ “văn minh - lịch thiệp - hiếu khách”. Vận động các cơ sở kinh doanh lưu trú đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch. Từng bước đầu tư và tranh thủ các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch. Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hạ tầng du lịch đã và đang triển khai như: Dự án hạ tầng khu du lịch Nhà Mát (khu II), Dự án khu Quán âm Phật đài; đặc biệt là hạng mục núi Quan âm, Thiền viện Trúc Lâm, tuyến đường Cao Văn Lầu, khu nhà Công tử Bạc Liêu, công viên cây xanh - chợ hải sản tại khu du lịch Nhà Mát…
Đặc biệt, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Khu du lịch Nhà Mát và khu vực lân cận để kêu gọi đầu tư nhằm đáp ứng các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia trước năm 2025. Phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh trong việc mời gọi đầu tư các dự án du lịch như: Khu du lịch sinh thái gắn với tham quan điện gió; Khu cầu dẫn và dịch vụ du lịch trên biển; các dịch vụ khai thác sông Bạc Liêu phục vụ du lịch; bảo tồn nhãn cổ giai đoạn tiếp theo kết hợp với việc trồng thanh nhãn; xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng; phát triển tuyến tàu cao tốc du lịch TP. Bạc Liêu - Hòn Trứng - Côn Đảo…
Cùng với đó là vận động nhân dân trồng cây xanh, cây ăn trái và tổ chức các dịch vụ du lịch vườn để đưa vào hoạt động du lịch sinh thái đường sông Bạc Liêu - Vàm Lẽo. Nâng cấp đoạn đường từ cầu Vườn chim vào khu du lịch Vườn chim, thiết kế trồng cây xanh, hoa để tạo cảnh quan, điểm nhấn cho tuyến đường thu hút du lịch. Đầu tư mở rộng đường Lò Rèn, đường Bờ Tây để du khách thuận lợi tham quan trang trại tôm giống, rẫy rau màu vành đai xanh của thành phố. Nâng cấp và hoàn thiện chợ đêm ẩm thực Bạc Liêu theo hướng chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại. Xây dựng và phát triển chợ hoa, cây cảnh theo quy hoạch của thành phố. Mời gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án phát triển du lịch, các công trình văn hóa - thể dục - thể thao gắn với phát triển du lịch. Hình thành một số tuyến phố đi bộ tại phường 1, phường 3, phường Nhà Mát gắn với mô hình văn hóa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, các trò chơi dân gian để thu hút du khách…
Với việc tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, năm 2019, TP. Bạc Liêu phấn đấu đạt doanh thu dịch vụ du lịch 1.650 tỷ đồng (tăng gần 28% so với năm 2018) và đón tiếp trên 1,6 triệu du khách (tăng 23,8% so với năm 2018). Qua đó đưa du lịch phát triển nhanh và thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
LÊ HỒNG
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững