Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội
Qua điều tra hộ nghèo theo cách tính mới, đến nay, TP. Bạc Liêu vẫn còn hơn 1.640 hộ nghèo và 1.340 hộ cận nghèo. Vì vậy, đầu tư tín dụng cho hộ nghèo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo, giải quyết thêm nhiều việc làm.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo
Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã đầu tư cho hơn 10.430 hộ vay vốn, với tổng dư nợ cho vay trên 150 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, tổ chức mua bán nhỏ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Nguồn vốn đầu tư của hệ thống Ngân hàng CSXH giúp người dân phát triển sản xuất. Trong ảnh: Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông thu hoạch rau màu (ảnh trái), và ngư dân phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) được mùa ruốc (ảnh phải). Ảnh: Tú Anh
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỷ lệ nợ quá hạn vẫn còn khá cao - chiếm khoảng 4%/tổng dư nợ. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn và làm cho nhiều chương trình, dự án không phát huy được hiệu quả đầu tư. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn cao, nhưng nguyên nhân chính vẫn là chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các đơn vị nhận ủy thác và cả tâm lý ỷ lại của người dân vào đồng vốn chính sách, có người còn đồng nhất vốn chính sách là vốn cho không (!?). Từ đó làm chất lượng tín dụng kém và kéo dài thời gian, tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao và khó xử lý, thu hồi.
Để khắc phục khó khăn này, UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND thực hiện Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Mục tiêu là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và tính nhân văn của tín dụng CSXH trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương, Ngân hàng CSXH và các phòng, ban ngành của thành phố, các đơn vị có liên quan trong việc tạo lập nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH…
Đặc biệt, Thành ủy TP. Bạc Liêu còn ban hành Công văn số 199/CV-TP về tăng cường kiểm tra, đôn đốc đảng viên chấp hành tốt cam kết trả nợ vay vốn tín dụng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện tốt Kế hoạch số 97/KH-UBND, UBND TP. Bạc Liêu chỉ đạo các địa phương và các đơn vị nhận ủy thác cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về tín dụng CSXH của Nhà nước bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị; làm cho cán bộ, nhân dân nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của tín dụng CSXH. Xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp - nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chương trình tín dụng CSXH, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Song song đó, chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, rà soát, bổ sung và xác định đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo phương thức tiếp cận đa chiều để triển khai cho vay. Chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp phường, xã phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh thành lập tổ thu hồi nợ và có biện pháp xử lý thu hồi các khoản nợ xấu, nợ khó đòi trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các nội dung ủy thác tín dụng CSXH. Chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã tổ chức bình xét cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục và đúng đối tượng thụ hưởng. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc, hộ vay vốn để đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ xấu, nợ khó đòi, thu lãi phát sinh, lãi tồn đọng…
Theo bà Trần Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh: “Đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các phường, xã; tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đào tạo nghề và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Lư Dũng
Theo kế hoạch nâng cao chất lượng tín dụng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, từ nay đến năm 2020, TP. Bạc Liêu phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu cụ thể sau:
- 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp.
- Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%.
- Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1,5%/tổng dư nợ.
- Bố trí nguồn vốn bổ sung ủy thác cho vay từ ngân sách thành phố, huyện tối thiểu 1 tỷ đồng/thành phố, huyện/năm vào nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng CSXH tỉnh, huyện để cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Hỗ trợ một phần cơ sở vật chất, điều kiện để đảm bảo 100% điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tỉnh, huyện tại các phường, xã, thị trấn hoạt động, giao dịch an toàn và ổn định.
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu