Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Nhân rộng và phát huy giá trị cây thanh nhãn Bạc Liêu
Phát huy thế mạnh của vùng đất giồng gắn với phát triển du lịch, TP. Bạc Liêu đang tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất ở các xã vùng ven, nhất là tập trung phát triển cây thanh nhãn.
Lãnh đạo TP. Bạc Liêu thăm mô hình trồng thanh nhãn của một hộ dân ở xã Vĩnh Trạch Đông.
MỞ RỘNG DIỆN TÍCH
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: mãng cầu hoàng hậu, táo Thái, các loại nhãn…, TP. Bạc Liêu hiện có trên 280ha đất trồng cây ăn trái. Trong đó, đất ven biển Bạc Liêu rất thích hợp để cây nhãn phát triển tốt. Thành phố đang tích cực hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng và thực hiện nhiều hoạt động nâng cao giá trị thương phẩm cho trái thanh nhãn để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Các địa phương ven biển như: xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành, phường Nhà Mát có diện tích đất pha cát rất thích hợp cho cây nhãn phát triển. Từ cây nhãn cổ, người dân ở đây đã tìm hiểu và trồng thêm nhiều giống nhãn mới (nhãn xuồng, nhãn tiêu, thanh nhãn). Đặc biệt là cây thanh nhãn vừa có năng suất cao mà chất lượng cũng hơn hẳn những giống nhãn khác với trái to, vỏ màu vàng xám, cơm dày, thịt chắc, khô và có vị thơm nhẹ, ngọt, giòn.
Thời gian qua, nhằm đưa những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thành phố đã chọn cây thanh nhãn là giống cây chủ lực để nhân rộng diện tích trồng. Trên cơ sở đó, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển cây thanh nhãn Bạc Liêu, gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP. Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Đề án) và thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện Đề án; đồng thời, đầu tư hơn 15 tỷ đồng để triển khai dự án trồng mới 100ha thanh nhãn trên địa bàn xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông và phường Nhà Mát.
Cùng với đó, thành phố cũng đã tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ Organic cho các hộ tham gia trồng cây thanh nhãn. Chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăm sóc cây cho ra trái nghịch vụ và bảo quản sau thu hoạch, hướng đến thu hoạch quanh năm nhằm cung cấp, tiêu thụ sản phẩm ổn định, đạt chất lượng và phục vụ phát triển du lịch sinh thái của thành phố. Đến nay, TP. Bạc Liêu đã tiến hành bàn giao 4.760 cây giống, 350 cây ghép, hỗ trợ 8.334kg phân hữu cơ, 5.556kg phân hóa học và tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn trái cho 58 hộ dân tham gia Đề án.
Biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử phục vụ du khách trong vườn nhãn ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A
NÂNG CAO GIÁ TRỊ
Cùng với mở rộng diện tích, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và đảm bảo thực hiện thành công Đề án. Vì vậy, thành phố đã quy hoạch phát triển ổn định vùng trồng cây thanh nhãn và đầu tư nhiều hạng mục công trình như: đầu tư làm hệ thống đê bao khép kín, xây dựng trạm bơm điện công suất lớn, hệ thống cống xả để sẵn sàng bơm nước tháo úng giúp nông dân tự tin canh tác… Từ đó, diện tích trồng cây thanh nhãn đến nay đã được mở rộng lên hơn 76ha. Trong đó, xã Vĩnh Trạch Đông là địa phương có diện tích trồng cây thanh nhãn tương đối lớn và bước đầu cho thu nhập ổn định.
Bên cạnh quy hoạch mở rộng diện tích trồng mới, TP. Bạc Liêu còn chủ động tìm kiếm đầu ra và đặc biệt là thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị thương phẩm cho trái thanh nhãn. Cụ thể như, tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trái thanh nhãn; phối hợp với Đài PT-TH Bạc Liêu, Báo Bạc Liêu xây dựng nhiều chuyên mục, chuyên trang, phóng sự quảng bá về thanh nhãn Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố; phối hợp với Công ty TNHH T&T VINA tạo điều kiện cho DNTN Thanh nhãn Bạc Liêu xuất khẩu 26 tấn trái thanh nhãn sang thị trường Mỹ. Qua các hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại kết hợp với phát triển du lịch, trái thanh nhãn đã dần tạo được thương hiệu và đang có giá thành cao hơn một số loại nhãn khác (có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, cá biệt khi trái vụ có giá lên đến 140.000 đồng/kg).
Có thể nói, qua hơn 2 năm tổ chức triển khai thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ diện tích trồng cây thanh nhãn tự phát ban đầu khoảng 21ha vào năm 2022, đến nay đã nâng lên hơn 76ha (theo Đề án đến năm 2025 là 100ha). Về mặt giá trị thì thanh nhãn đã trở thành một đặc sản có tiếng của TP. Bạc Liêu, với chất lượng sản phẩm được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tạo sự thích thú, tò mò để du khách đến Bạc Liêu trải nghiệm, thưởng thức sản phẩm và mua làm quà. Việc chuyển đổi từ giống cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng thanh nhãn gắn với phát triển du lịch vườn bước đầu đã giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cư dân nông thôn TP. Bạc Liêu ngày càng được cải thiện. Kéo theo đó là các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhà cửa người dân được đầu tư xây dựng khang trang, giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê-tông hóa, diện mạo nông thôn vùng ven ngày càng khởi sắc, góp phần cho xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…
TP. Bạc Liêu đang phối hợp với Sở KH-CN tạo điều kiện cho Trường đại học Cần Thơ thực hiện Đề án “Nghiên cứu đặc tính dòng, khả năng thích nghi và nâng cao giá trị trái thanh nhãn Bạc Liêu” - cơ sở ban đầu để thực hiện Chỉ dẫn địa lý cho cây thanh nhãn Bạc Liêu. Đồng thời, phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam lập hồ sơ, thực hiện trình tự thủ tục có liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho cây thanh nhãn. Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu “Thanh Nhãn Bạc Liêu” giai đoạn 2023 - 2025.
CHÍ THIỆN