Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Nhiều mô hình hay trong công tác giảm nghèo

Thứ Tư, 02/03/2016 | 17:04

TP. Bạc Liêu là đơn vị điển hình về làm tốt công tác giảm nghèo với nhiều mô hình hay. Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, TP. Bạc Liêu đã có 2.690 hộ thoát nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình giảm nghèo theo hướng tăng thu nhập, tạo tích lũy và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung thăm các hộ nghèo người dân tộc Khmer tại khu tái định cư xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Lâm Hỷ

Có an cư mới lạc nghiệp

Ngay từ những ngày đầu thực hiện công tác giảm nghèo, TP. Bạc Liêu phải đương đầu với nhiều thách thức là có đến hàng trăm hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Xác định có giúp hộ nghèo an cư thì mới tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên và hướng đến giảm nghèo bền vững, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã huy động và tranh thủ nhiều nguồn lực để thực hiện. Từ nguồn hỗ trợ của ngân sách, doanh nghiệp, nhân dân, TP. Bạc Liêu đã cất hơn 580 căn nhà tình thương, sửa chữa 86 căn với tổng số tiền 18,45 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã xây dựng và bàn giao 100 căn cho hộ nghèo người dân tộc Khmer không có nhà ở, đất ở tại xã Vĩnh Trạch Đông với tổng kinh phí đầu tư 4,81 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị xã, phường còn tự vận động xây mới được 156 căn nhà, tổng số tiền 4,60 tỷ đồng; sửa chữa 79 căn, với tổng số tiền 896 triệu đồng. Đến nay, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố đã cơ bản được giải quyết, giúp người nghèo có được mái ấm gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Cùng với xây dựng nhà cho hộ nghèo an cư, TP. Bạc Liêu còn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về mô hình hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo... Chỉ tính riêng hỗ trợ phương tiện và vốn, 5 năm qua, thành phố đã vận động các doanh nghiệp, các ngành đầu tư trên 4 tỷ đồng cho hộ nghèo bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ xe nước mía, tủ bán bánh mì, tủ bán hủ tiếu, xe ba gác, xuồng ba lá, ngư lưới cụ, mô-tơ bơm nước, cây, con giống… Từ đó, giúp hàng trăm hộ nghèo có việc làm, thu nhập ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Song song đó, để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, thành phố xác định phải làm tốt công tác đào tạo nghề và xem đây là giải pháp mang tính căn cơ.

Do vậy, trong 5 năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 1956/QĐ-TTg và nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác dành cho dạy nghề, thành phố đã tiến hành đào tạo nghề ngắn hạn cho 5.419 lao động với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 30.697 lao động, đưa 71 lao động đi làm việc ở các nước Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, còn tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ cho 3.763 lượt hội viên Hội Nông dân và hội viên Hội LHPN tham dự.

Với những giải pháp trên, công tác giảm nghèo không ngừng phát huy hiệu quả, nhất là phát huy vai trò của các doanh nghiệp cùng chăm lo cho hộ nghèo, nhận đào tạo nghề và giải quyết lao động tại cơ sở của mình.

Lễ trao vốn, phương tiện và nhà ở cho hộ nghèo người dân tộc tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: Lâm Hỷ

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo TP. Bạc Liêu, một trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác giảm nghèo là cần làm tốt công tác tuyên truyền. Thực tiễn đã chứng minh, địa phương nào quan tâm đến việc giáo dục, tuyên truyền người nghèo có ý thức tự giác, thấy được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc thoát nghèo bền vững; cũng như quan tâm hướng dẫn mô hình, cách sử dụng các nguồn vốn, phương tiện hỗ trợ, quyết tâm thoát nghèo... thì phần lớn họ đều thoát nghèo và hạn chế tái nghèo.

Theo đó, TP. Bạc Liêu đã chỉ đạo các xã, phường và các ban ngành, đoàn thể tập trung làm tốt công tác truyền thông về giảm nghèo bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên báo Bạc Liêu, các trạm truyền thanh, lồng ghép các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi họp tổ, ấp, khóm, sinh hoạt tại cộng đồng dân cư... Đến nay, thành phố đã tổ chức hơn 930 cuộc và thu hút hơn 39.220 lượt người tham dự.

TP. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% theo tiêu chí của Chính phủ và dưới 2% theo tiêu chí của thành phố. Trong đó, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: hướng dẫn các hộ nghèo tổ chức tốt cuộc sống gia đình, có ý thức cần, kiệm trong chi tiêu và có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, không để tái nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp và các đối tượng nghèo, khó khăn không có nhà ở, đất ở. Quan tâm giải quyết việc làm thông qua các hình thức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất khẩu lao động; đẩy mạnh việc hỗ trợ phương tiện, vốn cho hộ nghèo...

Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo TP. Bạc Liêu: Từ năm 2011 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành thành phố đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện khá tốt công tác vận động quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội, nhất là tập trung tranh thủ, vận động các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức trong và ngoài thành phố đóng góp Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội với tổng số tiền vận động được 50,856 tỷ đồng. Nguồn quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội được sử dụng đúng mục đích, góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo và công tác giảm nghèo đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, thời gian qua các cơ quan ban ngành, đoàn thể, Ủy ban MTTQ thành phố; UBND các phường, xã thực hiện tốt công tác giúp đỡ hộ nghèo, khẩn trương khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, xây dựng kế hoạch trao phương tiện sản xuất, vốn, cây, con giống cho hộ nghèo qua các năm.

Trên cơ sở đăng ký nhận giúp đỡ hộ nghèo của các cơ quan ban ngành, đoàn thể, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành quyết định phân công các chi bộ, đảng bộ vận động doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo. Hằng năm, Ban chỉ đạo giảm nghèo thành phố xây dựng kế hoạch giảm nghèo, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phường, xã nhận giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả từ năm 2011 đến nay đã phân công 308 chi bộ, đảng bộ nhận giúp đỡ 1.605 hộ nghèo, vận động 155 doanh nghiệp và 14 cơ sở tôn giáo nhận giúp đỡ 3.541 hộ nghèo. Sau khi được phân công nhận giúp đỡ hộ nghèo, các đơn vị tiếp cận, khảo sát nắm nhu cầu của từng hộ nghèo, lên kế hoạch giúp đỡ theo khả năng của từng cơ quan, đơn vị, hình thức hỗ trợ bằng tiền, mua con giống, thức ăn, công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất, buôn bán nhỏ.

Thông qua việc hỗ trợ phương tiện, vốn, cây, con giống sản xuất cho hộ nghèo đã góp phần giảm bớt khó khăn, giúp hộ nghèo có phương tiện làm ăn, có vốn để buôn bán nhỏ, từng bước có thu nhập ổn định.

Nguyễn Hà

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.