Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Nông dân khôi phục sản xuất sau ngập úng

Thứ Tư, 26/11/2014 | 15:29

Sau đợt ngập úng cục bộ, nông dân TP. Bạc Liêu đang tập trung khôi phục lại sản xuất cây trồng - vật nuôi. Ngành chức năng cũng đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ sau thiệt hại và chống ngập úng tái diễn. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá hạt giống, vật tư tăng…

Cải tạo đất, chuẩn bị vụ mùa mới

Đợt ngập úng cục bộ do mưa lớn vừa qua đã gây thiệt hại cho hơn 600ha hoa màu, gần 60ha lúa và một phần diện tích tôm nuôi trên địa bàn TP. Bạc Liêu, tập trung ở các địa phương như: xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, phường 1, phường 8… Số hoa màu còn lại (hơn 300ha) đang được nông dân tập trung thu hoạch năng suất bình quân 12 tấn/ha. Sau khi nước rút, nông dân cải tạo lại đất chuẩn bị vụ mùa mới.

Các trạm bơm lưu động bơm nước cứu hoa màu ở xã Vĩnh Trạch Đông. Ảnh: Lâm Vĩnh Chân

Song, khi nông dân bắt tay vào khôi phục sản xuất cũng là lúc họ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Phần lớn bà con canh tác hoa màu có ít đất sản xuất, lại vừa trải qua một vụ mùa thua lỗ, nên thiếu vốn đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất hoa màu có xu hướng tăng giá, nhất là 2 mặt hàng chính: rơm và hạt giống. Nhiều nông dân trồng màu ở xã Hiệp Thành cho biết, lượng rơm bà con dự trữ không đủ để sản xuất hoa màu nên phải mua với giá khoảng 1,3 triệu đồng/xe rơm. Theo phương pháp canh tác của bà con hiện nay, trung bình phải có từ 7 - 8 xe rơm cho mỗi héc-ta. Do vậy, trước mắt nông dân rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Ngoài ra, nỗi lo canh cánh của nông dân là không biết khi nào tình trạng ngập úng cục bộ lại tái diễn. Bà Thạch Thị Ba (xã Vĩnh Trạch Đông) nói: “Nông dân ở đây trồng màu, nuôi tôm mà cứ thấp thỏm sợ ngập. Ba năm trước, ở đây cũng ngập một lần và nông dân trắng tay. Không biết bao giờ nông dân mới thoát khỏi cảnh đất ngập úng?”.

Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân

Ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kịp thời giúp bà con khắc phục hậu quả ngập úng và tái sản xuất như: Tập trung các trạm bơm di động bơm tháo nước để nông dân thu hoạch hoa màu; cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân cải tạo đất sau ngập úng… Chính quyền địa phương cũng đã khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại của nông dân để kịp thời hỗ trợ.

TP. Bạc Liêu đang có biện pháp hỗ trợ hạt giống và rơm cho nông dân trồng màu với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đồng thời có kế hoạch chủ động đối phó với tình trạng ngập úng cục bộ. Theo ông Lâm Vĩnh Chân, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu: “TP. Bạc Liêu có địa hình trũng, trong đó vùng thấp nhất là xã Hiệp Thành, nên rất dễ xảy ra ngập khi có mưa lớn liên tục. Trước đây, ở các tuyến kênh có một phần hành lang kênh được đắp đất rất cao, tạo thành những ô đê bao khép kín. Tuy nhiên, người dân thường lấy đất ở phần hành lang kênh này trồng rẫy, nên làm mất ô đê bao. Khi mưa lớn kéo dài, những vùng không có ô đê bao sẽ bị ngập. Và giải pháp để bảo vệ lâu dài diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố chính là khôi phục những ô đê bao này”.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.