Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Phấn đấu trở thành địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao
Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU của Tỉnh ủy Bạc Liêu về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả (giai đoạn 2016 - 2020), UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND để thực hiện nghị quyết này. Trong đó, đề ra mục tiêu xây dựng TP. Bạc Liêu cơ bản trở thành địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững.
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: L.D
THẾ MẠNH CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY
TP. Bạc Liêu là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là mô hình nông nghiệp đô thị. Điển hình như, đến nay thành phố vẫn là địa phương có diện tích sản xuất rau màu lớn nhất tỉnh với hơn 830ha, tổng sản lượng bình quân đạt trên 45.000 tấn/năm. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất theo quy trình sạch như: cải rổ, hẹ bông, ngò rí, măng tây…
Hay trong nuôi trồng thủy sản, TP. Bạc Liêu cũng là địa phương đứng đầu về diện tích nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh với gần 6.000ha, cung cấp cho thị trường trên 35.610 tấn tôm/năm. Cùng với đó là nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp như: Hải Nguyên, Trúc Anh, Tập đoàn Việt - Úc…
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, mặc dù thành phố có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, nhưng các thế mạnh ấy chưa được phát huy. Nguyên nhân là diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ; sản lượng, chất lượng không đồng nhất; khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa cao; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo; nhiều mặt hàng nông sản có giá trị gia tăng thấp. Thêm vào đó, nguồn kinh phí đầu tư của nông dân có hạn; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ còn bất cập, chưa kịp thời; việc huy động các nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp còn thiếu và chưa tạo được sự hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt là sản xuất phải đối mặt với nhiều rủi ro do tác động từ quá trình biến đổi khí hậu; sản phẩm làm ra khó tiêu thụ; hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất còn thiếu và yếu cũng làm cho sản xuất nông nghiệp chưa phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có…
TĂNG TRƯỞNG THEO CHIỀU SÂU
Kế hoạch số 69/KH-UBND của UBND TP. Bạc Liêu sẽ tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng TP. Bạc Liêu cơ bản trở thành địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Để hoàn thành mục tiêu trên, thành phố sẽ thực hiện phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả, gắn với công nghiệp chế biến sâu, thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới (như tôm và các loại hải sản khác). Bên cạnh đó, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng tiểu vùng đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn nhưng khả năng cạnh tranh trung bình (như các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm). Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 2,9 - 3%/năm…
NGUYỄN VĂN
- Tuổi trẻ An ninh kinh tế: Xung kích, tình nguyện tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong công tác giải phóng mặt bằng
- Báo cáo chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2025
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng