Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Phát huy giá trị các lễ hội để phát triển du lịch
TP. Bạc Liêu là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật, được xem là trung tâm lễ hội của tỉnh, song, việc tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian hiện nay gần như tự phát. Điều đó làm cho các lễ hội đậm tính văn hóa truyền thống chưa được phát huy và chưa thúc đẩy, tạo thêm động lực để phát triển du lịch.
Lễ hội Quán âm Nam Hải thu hút nhiều người tham quan, chiêm bái.
Lễ thỉnh tháp đường cầu phúc - lộc của người Hoa ở chùa Sùng Thiện Đường (phường 1, TP. Bạc Liêu) vào Rằm tháng Giêng. Ảnh: L.D
Du lịch được xác định là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc từ các lễ hội dân gian được xem là một trong những thế mạnh đã được Bạc Liêu khai thác để phát triển du lịch trong thời gian qua, đơn cử như lễ hội Quán âm Nam Hải.
Tuy nhiên, việc tổ chức các lễ hội văn hóa trên địa bàn thành phố hiện nay gần như mang tính tự phát. Nghĩa là việc tổ chức các lễ hội chủ yếu do Ban trị sự các nơi thờ tự đứng ra tổ chức, thiếu sự phối hợp với các ngành, địa phương. Lễ hội chưa được tổ chức bài bản để trở thành sản phẩm du lịch, tạo thêm động lực cho ngành Du lịch phát triển, chủ yếu là “ăn theo” lễ hội.
Tồn tại bất cập trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là ngành quản lý chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của các lễ hội phục vụ phát triển du lịch. Kéo theo đó là sự thiếu đầu tư, quản lý làm cho một số lễ hội dân gian dần bị mai một, nhiều nghi lễ đậm tính văn hóa mất đi, thay vào đó là những lễ hội lai căng, mất gốc.
Việc phát huy giá trị các lễ hội dân gian cho phát triển du lịch có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu làm tốt công tác này, không chỉ giải quyết những khó khăn do thực tiễn đặt ra, mà còn góp phần bảo tồn và tôn vinh những lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc anh em ở vùng đất Bạc Liêu. Từ đó, làm phong phú, đặc sắc thêm sự giao thoa về văn hóa giữa giữa 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa.
Về mặt lịch sử, việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa từ các lễ hội đã có từ rất lâu, lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch, phản ánh sinh động về sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng. Do vậy, nhiều quốc gia, địa phương xem lễ hội truyền thống là “nguồn tài nguyên” quan trọng cho phát triển du lịch, góp phần tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động... Mặt khác, khi lễ hội thu hút được đông đảo du khách thì sẽ được nâng tầm thành các lễ hội mang tầm cỡ quốc gia, tạo nên sức lan tỏa lớn. Từ đó khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư và hình hành nên những hoạt động du lịch - dịch vụ chuyên nghiệp.
Khai thác giá trị văn hóa từ các lễ hội dân gian truyền thống phục vụ phát triển du lịch đã và đang trở thành xu thế ở nhiều quốc gia và nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Khi đời sống vật chất của người dân được cải thiện, nâng cao thì nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí cũng nâng lên, và đây là điều kiện cho lễ hội gắn với du lịch phát triển. Điều đó đã được minh chứng bằng hàng loạt các lễ hội dân gian diễn ra từ Bắc đến Nam trong suốt tháng Giêng.
Thiết nghĩ, TP. Bạc Liêu cần đầu tư và huy động nhiều nguồn lực cho việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa từ các lễ hội. Đồng thời chủ động phối hợp với các nơi thờ tự tổ chức lễ hội đậm tính văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự, văn minh. Qua đó góp phần nâng chất và làm phong phú thêm sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành thành phố du lịch trong tương lai.
LƯ DŨNG
--------------------------------------------------------------------------
Theo kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị từ các lễ hội văn hóa gắn với phát triển các mô hình phục vụ phát triển du lịch, từ nay đến năm 2020, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Phối hợp với các ngành, với tỉnh tổ chức các lễ hội truyền thống của tỉnh; tiếp tục tổ chức và quản lý tốt các lễ hội Quán âm Nam Hải, Oóc-om-bóc, Chôl-chnăm-thmây, Sen Đôn-ta, Dạ cổ hoài lang, lễ hội Kỳ yên, lễ Vu lan và các lễ hội khác trên địa bàn gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, đặc sản… kết hợp khai thác, quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục trùng tu, tôn tạo và phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nhất là các di tích nhà cổ đã được xếp hạng, gắn với tổ chức các dịch vụ phục vụ khách du lịch, tham quan. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc lập hồ sơ 9 công trình có dấu hiệu di tích trình UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh, đó là: Triều Quang Sùng Thiện Đường (phường 1); Chùa Vĩnh Phước An, (phường 2); nhà Công tử Bạc Liêu và nhà Vưu Văn Tụng - Huyện Sổn (phường 3); khu mộ Cao Triều và khu mộ Chung Bá - Chung Bá Vạn (phường 5); Căn cứ Thị ủy Bạc Liêu (phường Nhà Mát); chùa Khánh Long An (phường 8); Huyền thiên Thượng đế Cổ miếu (xã Vĩnh Trạch Đông).
TP. Bạc Liêu cũng sẽ củng cố và phát triển các câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử (ĐCTT) trên địa bàn. Hàng năm mở các lớp dạy ĐCTT, đặc biệt là trong các trường tiểu học, THCS, THPT để tạo nguồn cho phong trào ĐCTT; tổ chức Liên hoan ĐCTT định kỳ; xây dựng các CLB ĐCTT tại các điểm du lịch, đảm bảo khu, điểm du lịch nào cũng có tối thiểu 1 CLB ĐCTT phục vụ khi du khách có nhu cầu…
L.D
(lược trích)
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững