Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Phát huy giá trị văn hóa các dân tộc cho phát triển du lịch
Hiện nay, TP. Bạc Liêu vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của du khách. Trong năm 2019, TP. Bạc Liêu đã đón tiếp trên 1,62 triệu lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ; tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ.
Người dân địa phương và du khách tham dự nghi thức Tạ thần ở chùa Bà Địa Mẫu (phường 2, TP. Bạc Liêu).
Du khách tham quan chợ quê ngày xuân (2019).
Biểu diễn cồng chiêng Tây nguyên trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 (tổ chức tại TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
GIÀU TIỀM NĂNG
Năm 2019, hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu phát triển sôi động và thu hút đông đảo du khách, đó là nhờ thành phố tranh thủ các sự kiện văn hóa và lễ hội. Với nhiều mô hình và cách làm khác nhau, TP. Bạc Liêu luôn là trung tâm của các hoạt động văn hóa - văn nghệ và tổ chức các sự kiện thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đó là phiên chợ quê ngày tết, ngày vía Quán âm Nam Hải, các lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng người Hoa, đồng bào Khmer, Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 với sự hội tụ của các miền di sản…
Điểm lại các sự kiện trên để thấy, phát triển du lịch văn hóa hay du lịch lễ hội chính là thế mạnh đặc thù của thành phố. Tuy nhiên, để các lễ hội văn hóa tiếp tục đóng vai trò là “trụ đỡ” của ngành Du lịch, tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn và giữ chân du khách thì ngoài tổ chức các lễ hội truyền thống mang tính “đến hẹn lại lên”, cần khai thác và phát huy thêm các giá trị văn hóa từ các lễ hội dân gian của cộng đồng người Hoa và đồng bào dân tộc Khmer. Bởi, hiện nay, việc tổ chức và khai thác giá trị văn hóa các lễ hội phục vụ cho phát triển du lịch chưa nhiều. Trong khi đó, nhiều lễ hội vừa độc đáo, vừa đặc thù chỉ có Bạc Liêu và một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL có đông đồng bào người Hoa sinh sống mới có.
Có thể kể đến lễ Tạ thần (hay dân gian gọi là cúng cuối năm) được tổ chức vào tháng 12 âm lịch hàng năm. Với ý nghĩa tổng kết một năm lao động vất vả và tạ ơn các vị thần đã bảo hộ, đây là dịp để mọi người cùng ngồi với nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những dự tính cho tương lai. Do vậy, cùng với tổ chức tế lễ mang tính cộng đồng, người Hoa còn dựng sân khấu hát tuồng cổ trong mấy ngày liền.
Khi tổ chức cúng lễ Tạ thần, Ban trị sự tổ chức lễ và người dân ở khu vực đó cùng nhau thực hiện nghi thức tạ thần. Sau khi thực hiện xong phần lễ, mọi người cùng tham gia chế biến các món ăn. Người thì nấu ăn, người thì làm bánh, người thì xào mì, xếp lẩu... tạo nên một không gian văn hóa gắn kết cộng đồng. Đồ tế lễ được bày ra để mọi người cùng ăn và hưởng lộc với hy vọng cuối năm được mua bán thuận lợi và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán an khang, phát tài.
Nhiều người dù đi làm ăn xa nhưng mỗi khi vào dịp lễ Tạ thần đều trở về quê dự lễ. Cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu xem trọng lễ Tạ thần bởi lễ hội này không đơn giản là thể hiện sự biết ơn đến các vị thần, các bậc tiền nhân, mà còn nhắn nhủ phải sống có trách nhiệm với những người đang sống. Đó là tri ân ông bà, cha mẹ, anh em, người thân và cộng đồng.
Từ ý nghĩa của lễ Tạ thần cho thấy, việc khai thác các giá trị văn hóa lễ hội sẽ thật sự tạo thành “chất keo” kết dính du khách, vì nhu cầu của khách du lịch không đơn thuần là đi tham quan mà còn muốn được trải nghiệm, đắm mình trong không gian văn hóa ấy.
CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỄ HỘI?
Để khai thác và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội dân gian, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch, xem du lịch là một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần tập trung giới thiệu, quảng bá về giá trị văn hóa của các lễ hội dân gian. Đồng thời phát huy vai trò chủ thể mà cụ thể là mỗi tổ chức, gia đình, người dân cảm thấy tự hào, có trách nhiệm lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Phát huy vai trò của các tổ chức Hội, đoàn thể, hội quán, các hội tương tế và các kiến họ trong dòng tộc của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu; hay các đại đức, các vị có uy tín và trụ trì các nơi thờ tự của đồng bào dân tộc Khmer.
Đây được xem là một trong những giải pháp mang tính quyết định trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Bởi, các lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng đều do các bang, hội hay các nơi thờ tự tổ chức; mặt khác, các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc đều gắn kết cộng đồng với nhau. Thông qua sinh hoạt cộng đồng, người dân không chỉ bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc mình, mà còn được hưởng thụ, sáng tạo văn hóa.
Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, các điều kiện cần thiết cho việc quảng bá và bảo tồn giá trị văn hóa của các lễ hội trong thu hút du khách tham quan. Đó là thực hiện các công trình, dự án trùng tu, tôn tạo và khuyến khích đầu tư cho những đề tài, dự án nghiên cứu về văn hóa lễ hội; phát hành các ấn phẩm quảng bá về lễ hội... Việc làm này không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tránh nạn “bắt chước”, hoặc tự sáng tạo những phong tục không có nhằm mưu lợi (như giải hạn cầu an trong dịp lễ Kỳ yên).
Ngoài bố trí nguồn vốn từ ngân sách, TP. Bạc Liêu cần khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nhất là kiều bào ở nước ngoài đầu tư tôn tạo, trùng tu các di tích và tham gia tổ chức lễ hội để hướng đồng bào về với nguồn cội, tổ tiên. Sử dụng nguồn thu từ lễ hội đúng mục đích, phục vụ tốt công tác bảo tồn, trùng tu di tích và hoạt động lễ hội. Từ đó góp phần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất ở các khu di tích, nơi diễn ra các lễ hội.
Đặc biệt, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức các lễ hội theo đúng truyền thống văn hóa. Đồng thời làm tốt công tác phối hợp giữa địa phương, ngành quản lý và Ban tổ chức các lễ hội nhằm khai thác tốt các giá trị văn hóa, đưa các lễ hội dân gian truyền thống của địa phương trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách…
LƯ DŨNG
- Cùng lan tỏa, nâng chất phong trào “Sinh viên 5 tốt”
- Tổng phụ trách, Chủ tịch Hội đồng Đội phường, xã sinh hoạt Câu lạc bộ “Khăn hồng tình nguyện - Chắp cánh yêu thương”
- Hơn 350 đoàn viên - thanh niên, học sinh các đoàn trường THPT tham gia các hoạt động rèn luyện thể lực
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A