Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Phát huy hiệu quả đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm

Thứ Tư, 26/06/2024 | 16:25

Xác định công tác giải quyết việc làm đóng vai trò quan trọng trong thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh và chống tái nghèo, TP. Bạc Liêu đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó có việc tạo điều kiện cho nhiều lao động được tiếp cận nguồn vốn, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống...

Mô hình sản xuất rau màu của nông dân xã Hiệp Thành (ảnh trên)  và dịch vụ nghề biển phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn thông qua nguồn vốn hỗ trợ việc làm. Ảnh: T.A

GIÚP TẠO VIỆC LÀM CHO NHIỀU LAO ĐỘNG

Thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã tích cực thực hiện Nghị định 61 và Nghị định 74 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Phát huy hiệu quả đồng vốn hỗ trợ việc làm, năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giải ngân hơn 68,8 tỷ đồng cho 1.889 khách hàng vay vốn, tăng hơn 11,8 tỷ đồng so với năm 2021. Từ nguồn vốn này đã giúp trên 6.010 lao động có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình thông qua các mô hình sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ, tham gia làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã…

Qua đó cho thấy, đồng vốn tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, hạn chế vay nặng lãi (tín dụng đen) nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Không dừng ở đó, đồng vốn tín dụng còn kịp thời hỗ trợ các hộ vay thiếu việc làm có điều kiện mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đặc biệt, các hộ vay đã từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất - kinh doanh, trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, cùng giúp nhau nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Cũng như, giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Mặt khác, nguồn vốn này còn tác động tích cực đến việc mở rộng việc làm, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu ngành nghề ở các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ đó, góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là đạt tiêu chí về thu nhập và tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn…

ĐẦU TƯ CÒN HẠN CHẾ

Có thể nói, thông qua việc cho vay tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp sẽ hạn chế được các tệ nạn xã hội đối với những đối tượng không có việc làm, thất nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi thì việc thực hiện chính sách này cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm còn ít so với nhu cầu, ngân sách nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất thấp, tăng trưởng dư nợ hằng năm chủ yếu từ nguồn Ngân hàng CSXH huy động và nguồn ủy thác từ ngân sách địa phương. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của chương trình là rất lớn nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang ngày một tăng cao.

Tuy nhiên, mức cho vay khá thấp, dư nợ bình quân hiện tại chỉ ở mức 30 triệu đồng/dự án nên chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập ở một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, thương mại, tiểu thủ công nghiệp. Một số dự án sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, chưa thật sự tạo được việc làm cho người lao động, kéo theo nợ xấu tiếp tục tăng cao. Quy trình cho vay hiện tại đòi hỏi nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động phải thuộc trên cùng một địa bàn phường, xã. Điều này cũng phần nào gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay thực tế tại cơ sở, khi có nhiều lao động cư trú hợp pháp tại phường, xã này nhưng lại có dự án đầu tư ở phường, xã khác thì việc vay vốn từ chương trình này sẽ không đáp ứng đủ điều kiện.

Ở góc độ hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các ngành chức năng, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH cũng chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là ở các xã nông thôn nơi hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để trồng trọt, chăn nuôi nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Để phát huy có hiệu quả nguồn vốn cho vay tạo việc làm trong năm 2024, UBND TP. Bạc Liêu chỉ đạo: Tiếp tục tích cực triển khai giải ngân hoàn thành 100% nguồn vốn hỗ trợ, tạo việc làm của tỉnh và thành phố. Tạo lập nguồn vốn cho vay bằng cách tranh thủ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia, Ngân hàng CSXH, vốn ủy thác của địa phương và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đi cùng với việc tập trung xử lý nợ xấu là thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư... nhằm hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Từ đó, phát huy tác dụng của chương trình cũng như bảo toàn tốt nguồn vốn của Chính phủ.

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cần phối hợp trong việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hộ vay trong việc sử dụng vốn trên địa bàn phường, xã. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, chỉ đạo tổ chức Hội các cấp thực hiện tốt các nội dung công việc nhận ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn…              

Phan Thanh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.