Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Phát huy truyền thống hiếu học trong đồng bào dân tộc Khmer
Những năm qua, các cấp Hội Khuyến học trên địa bàn TP. Bạc Liêu không ngừng vận động, phát huy truyền thống hiếu học trong đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình điển hình, gương mẫu vượt qua khó khăn, quyết tâm cho con, cháu học hành.
Lãnh đạo TP. Bạc Liêu tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích tốt trong phong trào khuyến học. Ảnh: C.L
Ông Lâm Bích (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) không giấu được niềm tự hào khi kể cho tôi nghe về những đứa con của mình. Trước đây, do không có đất sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vợ chồng ông Bích phải quần quật làm thuê quanh năm nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Khi 2 người con lớn cùng thi đậu vào Trường cao đẳng Y tế tỉnh, 5 người con kế tiếp cũng lần lượt thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm, niềm vui như tràn ngập trong căn nhà lá thiếu trước hụt sau. Song, đi cùng với niềm vui ấy là gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền đè lên đôi vai vợ chồng ông Lâm Bích.
Thấy cha mẹ quá vất vả, nên ngoài giờ lên lớp, các con của ông tranh thủ đi làm thêm để có tiền trang trải học tập. Những khi con cần tiền để học mà không lo kịp, tài sản gì có giá trị trong nhà ông Bích cũng đem bán. Khi không còn gì để bán thì đi vay mượn rồi làm mướn trả nợ. Cực khổ là vậy, nhưng mỗi khi đi làm về, nhìn những tấm giấy khen của con treo trong nhà thì vợ chồng ông như quên hết mệt nhọc.
Hiện nay, 6 người con của ông đã tốt nghiệp, có việc làm. Và giờ đây kinh tế gia đình của ông Lâm Bích cũng dần ổn định khi các con ông cùng chung tay đóng góp.
Gia đình ông Thạch Hương (phường 7, TP. Bạc Liêu) cũng là một trong những gia đình tiêu biểu về tấm gương vượt khó nuôi con ăn học.
Trước đây, gia đình ông Hương rất khó khăn. Vợ làm giáo viên, còn ông Hương thì làm nhân viên văn phòng nên đồng lương của vợ chồng cũng chỉ đủ để chi tiêu hàng ngày. Để có thêm tiền lo cho các con ăn học, ngoài giờ làm việc ông cùng vợ bán bánh kẹo, nước đá bào… trước cổng trường. Không phụ sự hy sinh và kỳ vọng của cha mẹ, hai người con của ông Hương đều học giỏi và đã có công việc ổn định. Ông Hương kể: “Trước đây, do không có tiền mua sữa cho con, tôi và vợ phải nấu cháo pha đường cho tụi nó ăn. Giờ thì các con tôi đều đã đi làm và kinh tế cũng ổn định”.
Cô Nguyễn Thị Kim, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Bạc Liêu, cho biết: “TP. Bạc Liêu có 5.604 gia đình học tập và 126 dòng họ học tập. Có được kết quả này là nhờ các cấp Hội Khuyến học trên địa bàn thành phố luôn nêu cao vai trò, ý nghĩa của công tác khuyến học trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Không chỉ vận động “suông”, Hội Khuyến học còn nhiệt tình giúp đỡ như: tặng tập vở, hỗ trợ một phần học phí để các em trong độ tuổi đều được đến trường. Từ đó, từng bước giúp nâng cao nhận thức cũng như trình độ dân trí trong đồng bào Khmer”.
Chí Linh
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu