Nhịp sống đô thị
TP. BẠC LIÊU: PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO VÀ SẢN XUẤT CON GIỐNG CHẤT LƯỢNG CAO
Là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển các mô hình nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC), thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã có những đóng góp tích cực vào thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
Nông dân TP. Bạc Liêu thả giống chất lượng cao để nuôi tôm siêu thâm canh.
PHÁT HUY THẾ MẠNH
Nhằm thực hiện thắng lợi Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, TP. Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành chức năng tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 694 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành với quy mô hơn 418ha. Đến nay, đã hoàn thành thi công, đưa vào vận hành một số hạng mục của giai đoạn 1 và đang tiến hành xây dựng giai đoạn 2. Thành phố hiện có 43 cơ sở sản xuất giống thủy sản, sản lượng bình quân 1 tỷ con giống/tháng. Trong đó, lượng giống sản xuất đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của thành phố và xuất sang các huyện, tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, TP. Bạc Liêu còn có 134 hộ, công ty, doanh nghiệp nuôi tôm CNC, áp dụng công nghệ Biofloc, quy trình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, hệ thống tuần hoàn nước... với tổng diện tích 933ha, sản lượng đạt 4.679 tấn. Đặc biệt, có 4 doanh nghiệp, công ty, hộ nuôi đạt các tiêu chuẩn VietGAP, ASC... trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Ngoài ra, thành phố đã hình thành một vùng NTTS ứng dụng CNC ở xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông.
Để phát huy thế mạnh này, TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch 05 về việc triển khai thực hiện đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn TP. Bạc Liêu, với mục tiêu kêu gọi đầu tư công nghiệp chế biến ngành Thủy sản quy mô hàng hóa lớn, hiện đại. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4 công ty lớn hoạt động về chế biến thủy sản. Thành phố cũng đã triển khai đăng ký cấp mã số vùng nuôi thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ), theo đó có 179 hộ với 1.465ha/5.245 ao (hộ, công ty, doanh nghiệp), phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm NTTS…
Nuôi tôm công nghệ cao tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A
DIỆN TÍCH NUÔI TÔM CNC VẪN CÒN THẤP
Cùng với kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương phát triển tôm CNC trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Đó là qua 3 năm triển khai thực hiện, diện tích nuôi tôm CNC theo Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” vẫn còn thấp với 933/5.993ha, chiếm 15,57% so với tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân là do nuôi CNC cần tổng mức đầu tư cao và diện tích sản xuất lớn, vượt quá khả năng của một số hộ dân.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng quy hoạch NTTS phát triển chưa đồng bộ (như chưa có hệ thống thủy lợi cung cấp nguồn nước và xả thải riêng biệt). Một số vùng NTTS trên địa bàn thành phố và cả vùng nuôi tôm ứng dụng CNC ở xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông còn nằm xen kẽ với khu dân cư (rác thải, nước sinh hoạt xả thải xuống kênh, mương) nên kéo theo tình trạng nguồn nước phục vụ sản xuất bị ô nhiễm. Mặt khác, các hộ nuôi với các mô hình khác (thâm canh, bán thâm canh) khi phát sinh bệnh, nguồn nước không được xử lý mà xả trực tiếp xuống hệ thống kênh, mương. Ngoài ra, với đặc thù hệ thống thủy lợi phục vụ vùng sản xuất mau bồi lắng (chỉ sau nạo vét từ 1 - 2 năm) do nguồn nước mang nhiều phù sa mà nguồn vốn thủy lợi phí phục vụ trong duy tu, bảo trì các công trình thủy lợi có giới hạn nên thường xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất cục bộ ở một khu vực nuôi…
Song, với quyết tâm vượt khó và tập trung tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cả nước, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào phát triển tôm CNC cho hai đối tượng tôm nước lợ chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú). Trong đó, tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thương phẩm.
Theo đó, TP. Bạc Liêu sẽ tiếp tục mở rộng vùng sản xuất giống cung ứng 10 - 20 tỷ con giống sạch bệnh đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của thành phố và xuất sang các tỉnh lân cận. Trong đó, lượng giống sản xuất phải đảm bảo chất lượng 90% và cải thiện chất lượng con giống các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cua, cá, nghêu, sò….
Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành tỉnh xây dựng trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm ứng dụng CNC nằm trong Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành. Ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản trị tiên tiến trên thế giới vào quản lý và áp dụng công nghệ tin học để quản lý môi trường, dịch bệnh và các khâu trong chuỗi sản xuất giống.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ nuôi, công ty, doanh nghiệp trong sản xuất tôm tham gia ứng dụng CNC, tăng lên 30% diện tích nuôi CNC so với tổng diện tích nuôi. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ, như: công nghệ nhà kính CNC Israel, công nghệ Biofloc, Copefloc, quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, hệ thống tuần hoàn nước...
Song song đó, phát triển các vùng NTTS thâm canh ứng dụng CNC, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển NTTS đặc sản có giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu; phát triển mô hình nuôi thủy sản mới theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thủy sản. Phát triển năng lực chế biến tôm xuất khẩu và đưa tổng công suất thiết kế đạt 30.000 tấn/năm, góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 150 - 200 triệu USD…
TÚ ANH
Xây dựng thương hiệu “Tôm giống Bạc Liêu” và “Tôm thương phẩm công nghệ cao Bạc Liêu”
Phát huy giá trị mang lại từ con tôm, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu và liên kết vùng trong chuỗi giá trị ngành tôm. Phối hợp với Sở Công thương, Sở KH-CN, Sở NN&PTNT xây dựng thương hiệu “Tôm giống Bạc Liêu” và “Tôm thương phẩm CNC Bạc Liêu”.
Song song đó, thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức tín dụng với nông dân, ngư dân khai thác và NTTS. Liên kết dọc, sản xuất theo chuỗi giá trị từ khai thác, nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững (bao gồm tiêu chuẩn về môi trường, lao động...), nhằm gia tăng tính cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước của sản phẩm thủy sản chế biến. Thực hiện hiệu quả liên kết ngang giữa các cơ sở NTTS với khai thác thủy sản, nhằm tạo nguồn nguyên liệu trong nước đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng cho chế biến thủy sản.
Đẩy mạnh liên kết, kết nối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề cho lao động gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn.
Để thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thành phố kiến nghị đến các sở, ngành tỉnh cần quan tâm, ưu tiên phân bổ vốn thực hiện dự án, như: hệ thống cấp nước ngoài khơi phục vụ NTTS siêu thâm canh - Khu CNC tôm Bạc Liêu; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn thủy lợi phí để bảo đảm thực hiện nạo vét các kênh mương thủy nông nội đồng cung cấp nước phục vụ NTTS…
- Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh: Chú trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở
- Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp
- Các hoạt động hướng về Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Mồ mả bị Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ, bồi thường ra sao?
- Đổi mới công tác khen thưởng: Coi trọng các tập thể, người lao động có thành tích xuất sắc