Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Phát triển công nghiệp sinh học trong sản xuất nông nghiệp
Để tạo ra hàng hóa cạnh tranh, đảm bảo an toàn thực phẩm và mang lại lợi nhuận kinh tế cao, từ nay đến năm 2030, TP. Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp sinh học (CNSH) trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Mô hình trồng rau thủy canh (ảnh trên) và chăn nuôi vịt siêu thịt ứng dụng công nghệ sinh học ở xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A
Nhu cầu tất yếu
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, TP. Bạc Liêu đã và đang phát triển các mô hình sản xuất theo quy trình sinh học hay ứng dụng CNSH, như: trồng rau an toàn, nuôi tôm sạch, cá sạch, nuôi gia cầm theo quy trình sinh học và xử lý vi sinh trong cải tạo môi trường, phục vụ nuôi trồng thủy sản…
Tuy nhiên, phạm vi ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp còn hạn hẹp, tính lan tỏa chưa cao và phần lớn chỉ tập trung ở các doanh nghiệp nuôi tôm lớn. Trong khi đó, việc ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp vốn là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Bởi việc ứng dụng CNSH không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, hàng hóa có tính cạnh tranh, bán được giá cao, mà quan trọng hơn hết chính là góp phần hạn chế nạn ô nhiễm môi trường từ việc lạm dụng các chất kháng sinh, các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất, nuôi trồng. Ngoài ra, trong xu thế hội nhập và tham gia vào các thị trường khó tính như hiện nay, yêu cầu đầu tiên về xuất khẩu hàng hóa là phải truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất và đảm bảo về an toàn thực phẩm mà sản phẩm ứng dụng CNSH là lựa chọn ưu tiên.
Tiếp cận chế phẩm sinh học
Xuất phát từ tầm quan trọng đó, TP. Bạc Liêu đã xây dựng Kế hoạch phát triển CNSH trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2030. Trong đó, đến năm 2025 tiếp cận các chế phẩm sinh học (sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vắc-xin thế hệ mới, kít thử...) trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiến tới thay thế dần các sản phẩm nguồn gốc hóa học. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất ở quy mô công nghiệp; phát triển được giống cây trồng - vật nuôi mang tính trạng cải tiến như: chống chịu được sâu bệnh phá hại, các điều kiện bất thuận, sinh trưởng nhanh... phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của thành phố. Áp dụng rộng rãi các quy trình sản xuất an toàn sinh học và đa dạng hóa các sản phẩm sinh học phục vụ cho quá trình sản xuất.
Đặc biệt, đến năm 2030, TP. Bạc Liêu sẽ tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tăng cường ứng dụng các giải pháp xử lý chất thải bằng CNSH ở các đô thị, khu công nghiệp và vùng nông thôn, nhằm phòng ngừa, khắc phục suy thoái và ô nhiễm môi trường…
Theo đó, TP. Bạc Liêu sẽ ứng dụng CNSH cải tiến trên các loại cây trồng nông nghiệp chủ lực, tăng sức chống chịu với sâu bệnh, mang lại giá trị kinh tế cao, chuyển giao nhân rộng vào thực tiễn, sản xuất sản phẩm hàng hóa phục vụ nội tiêu và xuất khẩu như: thanh nhãn, ngò rí, tôm sạch, rau sạch... nhằm tạo cơ sở hình thành nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
Thanh Tòng
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ