Nhịp sống đô thị
TP. BẠC LIÊU: PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VỚI NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ
Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XVI về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 - 2025”, TP. Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết gắn với những đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại TP. Bạc Liêu.
XÂY DỰNG TRUNG TÂM VỀ TÔM
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 06, Thành ủy TP. Bạc Liêu chỉ đạo các cấp ủy đảng, địa phương, các ngành và Nhân dân cần nâng cao nhận thức, hành động về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH. Đồng thời, thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả CNC vào sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông nghiệp đô thị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII đã đề ra, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa đạt năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là phát triển nông nghiệp CNC phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, gắn chặt với việc thực hiện Chương trình 11 của BCH Đảng bộ thành phố khóa XII về thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về “tăng cường xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025”, Kế hoạch 98 của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XI về “Phát triển kinh tế biển trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, BCH Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu chung là: Xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến về tôm, góp phần xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, trong đó chọn tôm, lúa, thanh nhãn Bạc Liêu và artemia là sản phẩm chủ lực và trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp của thành phố để tập trung phát triển đồng bộ. Phân vùng sản xuất để tạo sản phẩm đặc thù và áp dụng công nghệ mới. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nguồn lực đầu tư. Đồng thời liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu và xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ; hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất và tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch. Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Hoàn chỉnh các dự án nuôi tôm CNC và triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất rộng rãi trong dân…
Công ty Trân An Phú giới thiệu sản phẩm phục vụ nuôi tôm công nghệ cao tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T
HOÀN CHỈNH QUY HOẠCH SẢN XUẤT
Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch chung của TP. Bạc Liêu thời kỳ 2020 - 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất CNC, trong đó, tập trung xác định rõ từng khu vực phát triển sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường như: Khu vực sản xuất lúa chất lượng cao (Tài nguyên, ST24, ST25...) tập trung tại xã Vĩnh Trạch; khu vực sản xuất rau màu, trồng cây ăn trái (thanh nhãn Bạc Liêu) ở xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông; khu vực nuôi artemia ở xã Vĩnh Trạch Đông và phường Nhà Mát; các khu vực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và khu nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh đảm bảo hợp lý, cân đối, phát triển ổn định.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống nông nghiệp hiện có, nhằm tạo ra cây, con giống, nhất là tôm giống đảm bảo sạch bệnh, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại chỗ. Đồng thời, cung cấp giống phục vụ sản xuất trong tỉnh, hướng tới thị trường xuất khẩu con giống trong thời gian tới.
Song song đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và trang trại; xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động có chất lượng trong từng lĩnh vực; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết mở rộng thị trường để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhất là các sản phẩm thế mạnh của thành phố (tôm sú, tôm thẻ, nghêu, cua, măng tây, ngò rí, cải rổ, thanh nhãn Bạc Liêu, tổ yến…) và các sản phẩm OCOP.
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của thành phố, nghiên cứu lựa chọn công nghệ mới, phù hợp thực tiễn sản xuất để đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Chủ động nắm bắt và chuyển giao một số công nghệ phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 như: Công nghệ sinh học; công nghệ thông tin 4.0; công nghệ tự động hóa; công nghệ nhà kín, nhà lưới; công nghệ Nano; công nghệ quan trắc môi trường; công nghệ vận chuyển, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Đẩy mạnh ứng dụng và tổ chức đánh giá, tổng kết thực tiễn áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cho hiệu quả kinh tế, không ảnh hưởng đến môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất và chế biến như VietGAP, GlobalGAP, ASC, Chứng nhận hữu cơ Organic, HACCP, ISO… nhằm khuyến cáo nhân rộng.
QUỐC MINH
Mục tiêu cụ thể của TP. Bạc Liêu đến năm 2025
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3%/năm. Đến năm 2025, kinh tế nông nghiệp - thủy sản chiếm tỷ trọng 9,5% trong cơ cấu kinh tế thành phố và gia tăng hiệu quả kinh tế ít nhất 30% trên cùng một diện tích đất, cùng nhóm sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp có ứng dụng CNC.
Phấn đấu tổng sản lượng nông nghiệp - thủy sản toàn thành phố, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 716.900 tấn và có 25% tổng sản phẩm nông nghiệp - thủy sản có ứng dụng CNC (tương đương 179.225 tấn). Trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt 178.500 tấn (có 71.400 tấn tôm thu hoạch từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh có ứng dụng CNC, chiếm 40%), sản lượng rau màu đạt 325.000 tấn (có 65.000 tấn rau màu được thu hoạch từ các mô hình có ứng dụng CNC, mô hình VietGAP, mô hình sản xuất hữu cơ, chiếm 15%).
Phối hợp thực hiện hoàn thành xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu (tại xã Hiệp Thành), quy mô 418,9ha. Đến năm 2025, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ khu vực nuôi tôm siêu thâm canh, bán thâm canh tập trung của thành phố; cung cấp và tiêu thoát nước phục vụ cho 6.570ha nuôi trồng thủy sản, 1.481ha trồng lúa, 4.540ha trồng rau màu và 300ha trồng cây ăn trái.
Phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố có ít nhất 8 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt chuẩn về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sản xuất hữu cơ và sản xuất bền vững, thích ứng với BĐKH (trong đó, có 5 mô hình nuôi tôm, 2 mô hình trồng rau màu và 1 mô hình chăn nuôi); có ít nhất 2 mô hình sản xuất bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị và 5 hợp tác xã ở lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động đạt hiệu quả…
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường