Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện
Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và hướng đến xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Bạc Liêu đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Nâng cao chất lượng xã nông thôn mới gắn với phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản”. Thông qua nội dung chỉ thị này nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và bước đầu hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa.
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm nuôi công nghiệp.
Sản xuất phát triển
TP. Bạc Liêu đã hoàn thành quy hoạch 12 tiểu vùng sản xuất ở các phường, xã với diện tích trên 2.748ha; đồng thời, quy hoạch ô đê bao khép kín trong từng tiểu vùng để chống ngập úng và phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất lúa, màu, cây ăn trái theo mô hình nông nghiệp đô thị…
Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học. TP. Bạc Liêu hiện có 1.609ha đất trồng lúa, 837ha đất chuyên trồng màu, 270ha đất trồng cây ăn trái, 5.993ha đất nuôi thủy sản với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản ước đạt 20.230 tỷ đồng trong năm 2020.
Xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đã phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh tiến hành quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; vận động nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến các doanh nghiệp, người dân. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm theo truyền thống. Cụ thể như, TP. Bạc Liêu hiện có 10 công ty, đơn vị và 76 hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 549ha, cho năng suất bình quân đạt trên 31 tấn/ha. Đặc biệt, thành phố đã phối hợp với tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; xây dựng khu nuôi an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới và hoàn thành các điều kiện, thủ tục để sớm được chứng nhận, xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và các thị trường khác…
Riêng lĩnh vực trồng trọt tiếp tục được thành phố phát triển ổn định theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng. Trên thực tế, đã có nhiều mô hình thực hiện cho giá trị gia tăng cao như: Sản xuất lúa theo chương trình "3 giảm - 3 tăng", trồng rau an toàn trong nhà lưới, trồng măng tây, hẹ, cải rổ, hoa kiểng...
Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển đa dạng và tương đối ổn định, cơ bản hình thành một số điểm chăn nuôi tập trung chủ yếu ở các xã, phường vùng ven với các vật nuôi như: heo, bò, cá sấu, gia cầm...
Mô hình nuôi cá sấu của nông dân xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
Đột phá từ ứng dụng công nghệ cao
Một trong những mục tiêu quan trọng trong chỉ đạo phát triển sản xuất của thành phố là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, trong đó, chọn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm khâu đột phá. Để hoàn thành mục tiêu này, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao và trồng hoa màu. Phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan để xây dựng quy hoạch và quản lý thực hiện tốt quy hoạch phát triển các vật nuôi cho phù hợp, hiệu quả, bảo đảm môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế biển và ven biển gắn với phát triển du lịch một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững; nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản, quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển và phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đóng mới tàu và mua máy có công suất lớn; tổ chức, sắp xếp và có chính sách hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, đội sản xuất khai thác, đánh bắt dài ngày trên biển phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển.
TP. Bạc Liêu cũng đồng thời tiến hành quy hoạch và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau an toàn; triển khai thực hiện đề án phát triển 100ha cây thanh nhãn Bạc Liêu trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông; hình thành vành đai xanh chuyên sản xuất rau màu ở 3 xã vùng ven của thành phố…
Nguyễn Trường (Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu)
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ