Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Sẵn sàng cho vụ nuôi tôm mới
Vào thời điểm này, người dân vùng nuôi tôm trên địa bàn TP. Bạc Liêu đang cải tạo ao đầm, sẵn sàng cho vụ nuôi mới. Cùng với việc lựa chọn con giống chất lượng để thả nuôi thì yếu tố môi trường và chất lượng các loại thuốc thú y thủy sản đang là vấn đề được nhiều bà con quan tâm.
Nạo vét kênh thủy lợi dẫn nước phục vụ nuôi tôm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu).
Nông dân TP. Bạc Liêu cải tạo ao đầm chuẩn bị vụ nuôi tôm mới. Ảnh: C.L
Nông dân phấn khởi thả giống
Vụ tôm cuối năm 2017, người nuôi tôm trong tỉnh rất phấn khởi khi giá tôm nguyên liệu khá ổn định. Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 210.000 - 215.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 104.000 - 105.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn TP. Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vốn cải tạo lại diện tích “ao treo” để thả nuôi vụ mới. Ông Nguyễn Văn Mấy (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Vụ tôm vừa qua, người nuôi tôm ở đây đều có lãi do được mùa và trúng giá. Thấy vậy, tôi cũng kêu xe cơ giới vào cải tạo bờ bao, đáy ao với diện tích hơn 3.000m2 để xuống giống. Tôm nuôi vụ này đang phát triển rất tốt”.
Cùng với được mùa, trúng giá, những tháng cuối năm 2017, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh đã được khắc phục nên nông dân phấn khởi, tiếp tục đầu tư thả giống cho vụ tôm mới.
Tuy nhiên, hiện nay việc bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo ao đầm vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều hộ nuôi tôm có thói quen thải bùn ở đáy ao trực tiếp ra môi trường xung quanh mà không qua quy trình lắng, lọc. Lượng chất thải này mang theo nhiều mầm bệnh, khi ra môi trường sẽ tạo ra các loại dịch bệnh trên tôm nuôi.
Theo anh Đinh Vũ Hải, Giám đốc Công ty Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), việc xử lý chất thải ở đáy ao mà không qua hệ thống ao chứa để tràn ra bên ngoài sẽ làm môi trường đất, nước bị ô nhiễm, rất khó nuôi tôm thành công.
Tăng cường công tác quản lý
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, từ đầu năm 2018 đến nay, nông dân trên địa bàn thành phố đã cải tạo trên 400ha ao đầm để xuống giống vụ tôm mới. Nhằm hỗ trợ người nuôi tôm, Phòng Kinh tế thành phố đã thông báo lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2018 và thực hiện lịch điều tiết nước hợp lý cho các vùng nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển… Khuyến khích phát triển nuôi thâm canh, xen canh, luân canh và nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một diện tích. Ngoài ra, đơn vị còn phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để giúp bà con tổ chức sản xuất, phòng trừ dịch bệnh và khôi phục lại sản xuất khi gặp rủi ro…
Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh thường xuyên bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến tôm nuôi. Trong khi đó, con giống và thuốc thú y thủy sản kém chất lượng vẫn lưu hành trên thị trường… Để hạn chế tình trạng trên, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm dịch các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống từ nơi khác nhập vào địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý vật tư thủy sản, hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa thủy sản…
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu cho rằng: “Đơn vị đã mở các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nuôi tôm trước, trong và sau khi thu hoạch. Đồng thời tăng cường các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ bà con thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình cải tạo ao đầm, tránh làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm”.
Khôi Nguyên
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững