Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Tăng cường bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử

Thứ Tư, 10/08/2016 | 15:04

Thực hiện Kế hoạch số 38 của Ban chỉ đạo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ tỉnh Bạc Liêu, UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 73, đồng thời gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”...

* Biểu diễn ĐCTT tại khu du lịch vườn nhãn (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu).

* Một buổi giao lưu ĐCTT ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Theo UBND TP. Bạc Liêu, một trong những yêu cầu của kế hoạch là nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tạo sân chơi, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của người dân địa phương và phục vụ phát triển du lịch.

So với những địa phương khác, TP. Bạc Liêu có nhiều thuận lợi hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT. Vì cùng với lợi thế là trung tâm hành chính tỉnh, có Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, có nhiều điểm du lịch thu hút đông du khách... sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ nhân, tài tử có đất dụng võ. Bên cạnh đó, với nhiều lễ hội dân gian truyền thống, sự kiện văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao..., góp phần tôn vinh và quảng bá nghệ thuật ĐCTT vươn xa. Ngoài ra, TP. Bạc Liêu cũng tập trung nhiều nghệ nhân, các tài tử và các câu lạc bộ biểu diễn ĐCTT chuyên nghiệp.

Thế nhưng, sau sự kiện festival tôn vinh nghệ thuật này vào năm 2014, phong trào ĐCTT trên địa bàn hiện đã lắng xuống, nhiều CLB không còn tổ chức sinh hoạt thường xuyên, thậm chí giải tán. Điều đáng trăn trở nhất, nghệ thuật ĐCTT ở một số nơi đã bị thương mại hóa, ca sĩ, nghệ nhân hát theo kiểu chạy sô, chưa thổi được cái hồn cốt của nghệ thuật đặc sắc này. Đó là chưa nói đến không gian của ĐCTT cũng bị mất dần, yếu tố dân dã, mộc mạc gắn với những câu ca ngọt ngào ở nhiều nơi cũng không còn. Loại hình nghệ thuật này bị lạm dụng quá mức mà biểu hiện cụ thể nhất là tại các chương trình biểu diễn hội nghị, khai trương, trao giải..., hầu như đều có biểu diễn ĐCTT khiến nhiều người ngán ngẩm, nhất là khi các nghệ sĩ cứ hát đi hát lại mỗi “bài ruột”. Tất cả những bất cập này đã làm cho nghệ thuật ĐCTT giảm sức hấp dẫn, làm cho nhiều người thiếu thiện cảm và chưa thu hút được sự quan tâm để có ý thức bảo tồn.

Vì vậy, để khai thác có hiệu quả các lợi thế vốn có, góp phần thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT, TP. Bạc Liêu cần sớm có giải pháp khôi phục, phát triển các câu lạc bộ biểu diễn ĐCTT. Đồng thời, khuyến khích và có chính sách ưu đãi, phát huy vai trò của các nghệ nhân, gia đình tài tử trong việc truyền dạy, bảo lưu các bài bản tổ, chăm bồi thế hệ trẻ và đưa phong trào trở thành một hoạt động văn hóa rộng khắp,  phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi, thay vì chỉ thành lập và hoạt động theo phong trào rồi thôi. Và quan trọng hơn cả chính là việc quản lý, cấp phép hoạt động của các quán nhậu có ca cổ không lành mạnh, biến tướng, làm ảnh hưởng đến nghệ thuật ĐCTT.

BẢO NGỌC

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, UBND TP. Bạc Liêu chỉ đạo các ngành và địa phương trên địa bàn cần tập trung thực hiện tốt một số công việc sau:

- Phòng VH-TT, Đài Truyền thanh: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ.

- Đề nghị Ủy ban MTTQ thành phố và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc đưa nghệ thuật ĐCTT vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức Hội, đoàn thể cho hội viên, đoàn viên. Các phòng, ban, ngành của thành phố thường xuyên tuyên truyền việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT cho cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, đơn vị.

- Trung tâm Văn hóa thành phố:

+ Xây dựng và duy trì mỗi xã, phường có ít nhất 1 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT hoạt động có hiệu quả; quan tâm thành lập mới các CLB ĐCTT ở khóm, ấp và CLB sinh hoạt theo hình thức gia đình, phấn đấu đến cuối năm 2016 thành lập mới 4 gia đình ĐCTT và hoạt động có hiệu quả.

+ Xây dựng kế hoạch mở lớp dạy ĐCTT tại Trung tâm Văn hóa thành phố phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

+ Tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các CLB ĐCTT trên địa bàn thành phố; vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch hình thành các điểm sinh hoạt ĐCTT để phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ĐCTT cho nhân dân, cũng như phục vụ khách tham quan, du lịch.

+ Tham gia Liên hoan ĐCTT 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau, Liên hoan ĐCTT khu vực Nam bộ và toàn quốc.

+ Tổ chức Hội thi ĐCTT gắn với Hội thi Giọng hát hay cấp thành phố (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2016), nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm tái thành lập tỉnh Bạc Liêu (1997 - 2017) từ nguồn vận động xã hội hóa.

+ Khuyến khích các nghệ nhân sáng tác những bài bản mới có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước và con người Bạc Liêu, tạo điều kiện thuận lợi cho tuổi trẻ tham gia luyện tập các bài bản tài tử mới sáng tác.

- Phòng GD-ĐT: Phối hợp Trung tâm Văn hóa thành phố đưa nội dung ĐCTT vào chương trình ngoại khóa cho học sinh khối THCS, tiểu học trên địa bàn thành phố nhằm tạo các thế hệ kế thừa.

- Phòng Nội vụ: Tham mưu trình UBND thành phố khen thưởng, biểu dương kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT.

- Phòng Tài chính - Kế hoạch: Phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố dự trù kinh phí thực hiện một số nội dung trong kế hoạch, trình UBND xem xét, phê duyệt.

- UBND các phường, xã: Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn; tổ chức giao lưu ĐCTT và một số hoạt động ĐCTT nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương...

T.A (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.