Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Tạo môi trường lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp
Thời gian qua, UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong các loại hình doanh nghiệp đến năm 2021 trên địa bàn thành phố. Đề án này nhằm mục đích ngăn ngừa, giảm dần các cuộc tranh chấp lao động tập thể, tạo môi trường lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Công nhân làm việc tại Nhà máy bao bì dầu khí Bạc Liêu (phường 8, TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Nội dung đề án tập trung tuyên truyền các quy định của Bộ luật Lao động, đặc biệt là những nội dung về việc làm, quản lý nhà nước về lao động, hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, tiền lương, tiền công, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, tranh chấp lao động, quản lý lao động là người nước ngoài, cho thuê lại lao động, thanh tra, kiểm tra, an toàn vệ sinh lao động. Hướng dẫn quy trình, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Cung cấp các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đến quyền, nghĩa vụ NLĐ và NSDLĐ như: Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật BHXH, Luật Khiếu nại…
Hình thức tuyên truyền các nội dung trên đa dạng, phong phú như tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các cuộc họp chuyên đề, các lớp tập huấn, qua hệ thống loa truyền thanh của doanh nghiệp, bản tin doanh nghiệp, tủ sách pháp luật, Đài Truyền thanh TP. Bạc Liêu và trạm truyền thanh các xã, phường… Đối tượng tuyên truyền là NLĐ, NSDLĐ, tổ chức công đoàn các cấp; các cơ quan, ban ngành có liên quan và UBND phường, xã; các công ty, doanh nghiệp, văn phòng đại diện, tổ chức, cá nhân có sử dụng NLĐ đóng trên địa bàn.
Mục tiêu đề án là phấn đấu đến hết năm 2021, TP. Bạc Liêu đạt từ 95% trở lên lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và từ 80% trở lên NLĐ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động. Do đó, UBND TP. Bạc Liêu yêu cầu các cơ quan, ban ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thành phố, UBND các xã, phường và các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tiếp tục phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho NLĐ, NSDLĐ trong các loại hình doanh nghiệp. Hàng năm, UBND thành phố phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức ít nhất một lần tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn - vệ sinh lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của NLĐ, NSDLĐ. Đồng thời phải đảm bảo đúng tiến độ, triển khai thực hiện các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động, chương trình khác đã và đang được triển khai thực hiện tại các cơ quan, ban ngành, địa phương. Đảm bảo nguồn nhân lực cần thiết cho công tác phổ biến pháp luật và thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến pháp luật.
Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ được thực hiện tốt sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với NLĐ, NSDLĐ. Từ đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các loại hình doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
HUỲNH MAI
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững