Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Tập trung khai thác thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản
Để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong điều kiện ứng phó với dịch COVID-19, đồng thời từng bước hướng đến trạng thái bình thường mới và “sống chung” với dịch COVID-19, UBND TP. Bạc Liêu đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm vượt qua khó khăn và tập trung khai thác tốt thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS).
So với những địa phương khác, TP. Bạc Liêu có diện tích NTTS lớn (gần 6.000ha) gắn với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, TP. Bạc Liêu còn được tỉnh chọn xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với quy mô diện tích hơn 418ha tại xã Hiệp Thành.
Phát huy tiềm năng và thế mạnh này, năm 2021, thành phố phấn đấu đạt năng suất 31.787 tấn tôm (trong đó, tôm nuôi đạt 30.287 tấn) và đến thời điểm hiện nay, tôm nuôi chỉ mới đạt 22.055 tấn (chiếm 72,82% so với kế hoạch). Điều quan tâm của UBND thành phố hiện nay là giá tôm nguyên liệu xuống thấp, người nuôi tôm ngoài nỗi lo dịch bệnh trên tôm còn lo giá thấp, gây thua lỗ nên người nuôi chậm thả tôm nuôi hoặc tạm ngưng. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phải thực hiện phong tỏa, cách ly y tế hoặc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên sức tiêu thụ tôm của thị trường giảm, vận chuyển khó khăn làm tăng giá thành…
Trước thực tế này, Thường trực UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT, UBND các phường, xã xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp để phát triển thủy sản nói chung, phát triển sản xuất tôm nuôi nói riêng. Theo đó, UBND TP. Bạc Liêu tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương có ngay các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi ở khâu vận chuyển trong nội bộ thành phố; giữa thành phố với các huyện, thị xã... Trường hợp nào vượt thẩm quyền, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, đặc biệt là khâu vận chuyển vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi tôm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương lái đến thu mua tôm nuôi của người dân.
Nông dân TP. Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: K.T
Bên cạnh đó, chỉ đạo Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố thường xuyên bám sát địa bàn, vùng nuôi tôm, rà soát lại diện tích sản xuất, sản lượng tôm; kịp thời hướng dẫn người dân lịch thời vụ sản xuất; xử lý, cải tạo môi trường nước ao nuôi, nước thải; phòng, trị bệnh cho tôm; giúp người dân giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh trên tôm, nhất là ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, mưa bão từ nay đến cuối năm 2021. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng như Quản lý thị trường, Thanh tra thủy sản thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư đầu vào.
Song song đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở NN&PTNT và Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT tổ chức tìm kiếm, mở rộng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi của Bạc Liêu, không để ứ đọng sản phẩm tôm nuôi, nhất là khi tôm nuôi tới kỳ thu hoạch mà người dân không bán được và khi cần thiết thì tham gia hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.
UBND thành phố cũng chỉ đạo UBND các phường, xã có diện tích nuôi tôm, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thả tôm nuôi đối với các diện tích chưa thả, các diện tích đã thu hoạch theo đúng lịch thời vụ; đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, cần lưu ý trong quá trình người dân tham gia chuỗi sản xuất tôm phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định ngành Y tế và của tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, TP. Bạc Liêu sẽ vận dụng có hiệu quả các chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân nuôi tôm như: hỗ trợ an sinh xã hội do ảnh hưởng dịch bệnh; hỗ trợ hóa chất, chlorine xử lý môi trường nước; các chính sách hỗ trợ vốn vay sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện cho người nuôi tôm và nhân lực của các dịch vụ hỗ trợ được tiêm ngừa vắc-xin, kiểm tra tầm soát COVID-19 nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa sản xuất và không để đứt gãy chuỗi sản xuất tôm nuôi…
Cùng với các giải pháp chỉ đạo phát triển sản xuất, UBND TP. Bạc Liêu cũng kiến nghị các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ xem xét bình ổn giá thức ăn nuôi tôm; hỗ trợ tiền điện cho người dân nuôi tôm (từ tháng 7/2021 đến cuối năm 2021); các ngân hàng cho vay vốn ưu đãi lãi suất; giảm lãi suất và giãn nợ cho người dân nuôi tôm để phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới…
Lê Kim Thúy (Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu)
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ