Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer
Chăm lo cuộc sống cho đồng bào dân tộc Khmer được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân TP. Bạc Liêu đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Đồng bào Khmer đón năm mới ở chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu trao biểu trưng tặng nhà tình thương cho các hộ dân tộc Khmer nghèo trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D
TP. Bạc Liêu hiện có hơn 3.770 hộ dân tộc Khmer với 16.967 khẩu. So với các dân tộc thiểu số khác sinh sống trên địa bàn, tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm số đông và sống chủ yếu tập trung tại 3 xã vùng ven thành phố là Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông. Thu nhập chính của bà con vẫn là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Do sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên thu nhập bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo khá cao.
Để giúp đồng bào Khmer ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, chính quyền đã xây dựng và tặng hàng trăm căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ đất sản xuất cho bà con ở khu vực ven biển xã Vĩnh Trạch Đông. Chỉ tính năm 2016 đã có hơn 100 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ các hộ nghèo (chiếm phần lớn là hộ đồng bào dân tộc Khmer) với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hầu hết hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer đều được nhận đỡ đầu, hỗ trợ vốn, tặng phương tiện, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn và tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác. Năm 2016, Phòng Dân tộc thành phố đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở 18 lớp đào tạo nghề chăn nuôi và trồng rau màu cho gần 540 học viên, với tổng kinh phí trên 1,15 tỷ đồng. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng dụng các mô hình sản xuất mới, mang lại thu nhập cao.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Phòng Dân tộc thành phố đã phối hợp với xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông rà soát đối tượng là người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế (theo Quyết định 539/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và cấp trên 13.510 thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, TP. Bạc Liêu còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; cuộc vận động Ngày Vì người nghèo; vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong các dịp lễ, tết truyền thống dân tộc…
Theo Phòng Dân tộc TP. Bạc Liêu, năm 2017, đơn vị tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành có liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc. Qua đó, góp phần cùng với thành phố, với tỉnh phát triển về du lịch, khai thác có hiệu quả thế mạnh văn hóa địa phương.
Cùng với đó là phát huy vị trí, vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các cấp Ủy ban MTTQ Việt Nam trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh…
Lê Nhiên