Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Phát huy truyền thống tương thân tương ái và không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, trong những năm qua, Đảng bộ TP. Bạc Liêu đã tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách và hộ nghèo. Qua đó, đưa TP. Bạc Liêu trở thành điểm sáng của tỉnh trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội…
Chăm lo tốt gia đình chính sách
Với việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, trong những năm qua, TP. Bạc Liêu đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công và đã ban hành nhiều chủ trương, việc làm cụ thể nhằm thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình chính sách, người có công. Trong đó, phải ghi nhận sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tham gia thực hiện tốt công tác này. Từ sự chăm lo của toàn xã hội, đến nay, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trong cùng địa bàn.
Có được kết quả trên, không thể không kể đến việc duy trì nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, cũng như tích cực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Qua việc xây dựng, tôn tạo các nhà bia ghi công các anh hùng liệt sĩ đã góp phần giáo dục truyền thống cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Đặc biệt, công tác chăm lo cho hộ nghèo được Đảng bộ, chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thể hiện qua việc vận động Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội trong 5 năm qua được trên 60 tỷ đồng; xây dựng 606 căn nhà tình thương và cơ bản xóa nhà tạm, nhà lụp xụp. Nhờ những giải pháp hữu hiệu, kịp thời đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,75% (tương đương 1.646 hộ) vào năm 2015 xuống còn 50 hộ vào năm 2019 (50 hộ nghèo này đều thuộc diện bảo trợ xã hội) và đã “xóa trắng” hộ nghèo theo tiêu chí.
Có thể nói, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn thành phố đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh và không ngừng cải thiện đời sống cho Nhân dân. Từ đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã vùng ven gắn với thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu tặng nhà tình thương cho hộ nghèo trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D
Kiên quyết chống tái nghèo
Công tác giảm nghèo trong thời gian qua tuy đạt được những kết quả đáng phấn khởi, song công tác này cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo phần lớn là hộ dân tộc thiểu số, nghề nghiệp không ổn định, chủ yếu làm thuê, làm mướn và kiếm sống nhờ vào sản vật từ biển; một bộ phận người nghèo trình độ dân trí thấp, không có đất sản xuất, hoặc đất ở không hợp pháp (ở trên đất công, đất bảo lưu sông, kênh, rạch...) gây không ít khó khăn trong công tác giảm nghèo. Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều dựa trên việc đánh giá tài sản để ước lượng thu nhập của hộ gia đình và thu thập các thông tin, thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ gia đình như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và tiếp cận thông tin… có nhiều điểm mới nên một số phường, xã chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn lúng túng, còn sai sót, phải phúc tra lại, thông tin báo cáo chưa kịp thời.
Với quyết tâm chống tái nghèo và xây dựng những mô hình giảm nghèo bền vững, từ nay đến năm 2025, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và xem đây là giải pháp căn cơ trong giảm nghèo bền vững. Đi cùng với đó, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết việc làm thông qua các hình thức sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, xuất khẩu lao động; phấn đấu mỗi năm sẽ giải quyết việc làm cho 6.500 lao động; đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp tuyển dụng; tăng cường mở các lớp khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, nâng cao kiến thức áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng, sản xuất - kinh doanh; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động người dân tộc. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số; chi trả kịp thời các chế độ chính sách đúng quy định; giải quyết tốt các chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội…
Đỗ Ái
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ