Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã tăng cường đầu tư và triển khai nhiều mô hình mới vào sản xuất; đồng thời, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) chăm sóc rau màu.
Đầu tư theo chiều sâu
Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đến cuối năm 2020, tỷ trọng cơ cấu ngành Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 9,68% trong tổng cơ cấu GRDP của thành phố; tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 2,7%/năm và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng trồng trọt đạt 286.684 tấn; sản lượng chăn nuôi đạt 9.606 tấn và sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 191.060 tấn. Đặc biệt, lĩnh vực NTTS luôn ổn định và được đầu tư theo chiều sâu với tổng diện tích hơn 23.970ha (diện tích tôm nuôi thâm canh - bán thâm canh là 22.054ha, chiếm 92%). Doanh nghiệp và nông dân cũng đã đa dạng hóa phương thức nuôi: Nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh - bán thâm canh và nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh với năng suất khoảng 40 tấn/ha/vụ nuôi. Ngoài ra, với diện tích canh tác rau màu trên 4.640ha, cho tổng sản lượng là 61.500 tấn đã góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều nông dân ở các xã vùng ven của TP. Bạc Liêu.
Tuy nhiên, qua thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều khó khăn và hạn chế như: Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa cao, không đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản còn thấp. Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phương pháp, quy mô, hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới; hoạt động khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn; trình độ dân trí của nông, ngư dân và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất còn hạn chế, nhất là ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn nhiều bất cập. Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững, vẫn còn trường hợp phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên việc thực hiện mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn hạn chế…
Tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh ở TP. Bạc Liêu đạt năng suất cao. Ảnh: K.T
Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố sẽ tập trung khai thác và tận dụng tối đa lợi thế về nông nghiệp đô thị, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh theo hình thức nông trại, hợp tác xã, gia trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huy động và tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, giải quyết các vấn đề quan trọng, bức xúc của ngành (về cải tiến giống cây trồng, vật nuôi, quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản); xây dựng vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong, ngoài nước…
Ngoài ra, TP. Bạc Liêu cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông - thủy sản, mở rộng đầu ra cho nông - thủy sản của thành phố. Thường xuyên cập nhật, dự báo thông tin thị trường, giá cả; thông báo về chính sách thương mại của các đối tác, các tổ chức quốc tế và các quốc gia để người sản xuất - kinh doanh nắm được và điều chỉnh phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
Nguyễn Trường
Vận động nông dân thực hiện nghiêm bảo vệ môi trường
Để hoàn thành các mục tiêu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, TP. Bạc Liêu sẽ thực hiện đầy đủ cơ chế, chính sách do Nhà nước ban hành nhằm tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung và đề xuất hoàn chỉnh cơ chế, chính sách của tỉnh để đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Thành phố sẽ xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tập trung và phát triển vùng nuôi nghêu tập trung ven biển; đẩy mạnh công nghiệp hóa trong lĩnh vực trồng trọt, NTTS nhằm phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ môi trường, kịp thời dự báo những sự cố môi trường gây bất lợi cho khu vực nuôi trồng và trồng màu tập trung của thành phố.
Tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản như thành lập tổ, đội phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển; gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong trồng trọt, vận động nông dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu gom, xử lý chất thải nông nghiệp, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, góp phần sản xuất hiệu quả, bền vững.
Tiếp tục xây dựng và duy trì phát triển vùng sản xuất rau an toàn (măng tây, ngò rí, cải rổ…) trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất rau sạch, an toàn. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị như mô hình vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, mô hình đưa màu xuống ruộng, mô hình trồng hoa kiểng…
Ngoài ra, thành phố cũng ưu tiên dành vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn; đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng, đổi mới cơ chế, thủ tục để tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các chính sách tín dụng để đầu tư sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn được thuận lợi. Rà soát, loại bỏ các khoản thuế, phí không phù hợp với quy định của pháp luật…
T.A
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ