Nhịp sống đô thị
Tuổi trẻ Bạc Liêu: Giữ gìn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử
Bạc Liêu là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ĐCTT vẫn khẳng định được giá trị, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân Bạc Liêu nói chung và tuổi trẻ Bạc Liêu nói riêng.
TỪ NIỀM ĐAM MÊ…
Từ lâu, ĐCTT đã hiện diện ở cả nông thôn lẫn thành thị. ĐCTT đang trở mình sống dậy khi được sự quan tâm của thế hệ trẻ.
Chị Võ Thị Nghiêm, thành viên câu lạc bộ (CLB) ĐCTT phường 2 (TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi mê ca hát từ nhỏ, mỗi khi nghe tiếng đờn là lòng thấy nôn nao muốn hát. Từ khi tham gia CLB ĐCTT, trình độ ca hát của tôi được nâng lên vì được các chú trong CLB chỉ dạy nhịp, cách xử lý chất giọng. CLB ĐCTT của chúng tôi đang tập dượt chuẩn bị cho sự kiện Festival ĐCTT quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014”.
![]() |
Giao lưu đờn ca tài tử ở khu du lịch sinh thái Hồ Nam (phường 1, TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.Đ |
Bạn Lâm Minh Nghiêm, sinh viên Trường đại học Bạc Liêu, bày tỏ: “Mặc dù em không hát được, nhưng em rất thích nghe ĐCTT. Ca từ thuộc loại hình ĐCTT nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, có thể giúp em thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng. Không chỉ riêng em mà nhiều bạn trẻ hiện nay cũng yêu thích loại hình này”.
ĐCTT không phân biệt tuổi tác, vùng miền. Người nặng lòng với ĐCTT thì ở đâu cũng là sân khấu để họ thỏa mãn niềm đam mê của mình. Với họ, đôi khi chỉ cần chiếc chiếu trải trên sân, nhấm nháp vài ly rượu để làm tăng cảm hứng, và thế là buổi biểu diễn ĐCTT hình thành.
…ĐẾN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
Thế hệ trẻ Bạc Liêu hôm nay cảm thấy tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất gắn liền với câu hò, điệu hát, nơi có những danh cầm, nghệ nhân mà tiếng đờn, giọng ca của họ trở thành bất tử trong giới mộ điệu. Và càng tự hào hơn khi loại hình ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn giá trị tinh hoa của dân tộc, thế hệ trẻ hôm nay ra sức chăm bồi và không ngừng phát huy loại hình nghệ thuật này.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 227 CLB ĐCTT với tổng số 2.143 thành viên (gồm 475 nghệ nhân đờn và 1.668 nghệ nhân ca). Riêng TP. Bạc Liêu có 9 CLB ĐCTT với 59 thành viên (gồm 43 nghệ nhân ca và 16 nghệ nhân đờn). Ngoài ra, ở một số trường THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố còn có các tổ, nhóm ĐCTT. Các CLB, tổ, nhóm ĐCTT hoạt động khá tốt, thường xuyên sinh hoạt, giao lưu thu hút nhiều người tham gia, nhất là các bạn ĐV-TN. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ ca hát của các thành viên CLB, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân. Đồng thời, phát hiện nhiều giọng ca triển vọng ở các bạn trẻ, làm nền tảng xây dựng CLB ĐCTT lâu dài.
Ông Trần Nguyễn Trường Giang, Bí thư Thành đoàn TP. Bạc Liêu, cho biết: “Để giúp ĐV-TN hiểu rõ hơn về loại hình ĐCTT, thời gian qua, Thành đoàn phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức dạy cho ĐV-TN hát bản chuẩn Dạ cổ hoài lang. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, mở rộng các CLB, tổ, nhóm ĐCTT và khuyến khích ĐV-TN tham gia sinh hoạt. Đây không chỉ là sân chơi lành mạnh cho bạn trẻ, mà còn góp phần giữ gìn thành quả mà các bậc tiền bối đã để lại”.
Tin rằng, với sự chung tay góp sức của thế hệ trẻ, loại hình nghệ thuật ĐCTT sẽ ngày càng phát triển trong đời sống của người dân Bạc Liêu.
HOÀNG LAM
- Trao Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ IX
- Tổng kết Hội thi “Giáo viên mầm non dạy giỏi” cấp tỉnh
- Giải pháp quản lý rơm rạ trên đồng ruộng kết hợp cơ giới hóa và cải thiện sức khỏe đất
- Triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự dịp lễ 30/4
- Thành lập HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Sông Hậu