Nhịp sống đô thị
Xã Vĩnh Trạch: Lại một vụ hoa màu thất bát
Sau vụ lúa, nhiều bà con ở xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) lại đưa màu xuống ruộng để tạo thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá cả các mặt hàng rau màu không ổn định, đầu ra còn bấp bênh, do thời tiết diễn biến thất thường nên đời sống những người dân trồng màu gặp không ít khó khăn.
![]() |
Ông Thạch Mên thu hoạch đậu bắp. Ảnh: P.Đ |
Mùa mưa đã bắt đầu, vụ màu gần như kết thúc, nhưng 1,5 công rẫy (1 công = 1.000m2) của gia đình ông Quách Nhơn Tính (ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch) vẫn chưa thu lại vốn. Ông Tính tâm sự: “Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên cây màu phát triển không được tốt. Vụ màu năm nay, gia đình tôi đã đầu tư hơn 4 triệu đồng, vậy mà, chưa thu lại được gì ngoài một vụ ớt thua lỗ và mấy giồng hẹ mỗi ngày chỉ cắt được chừng 10kg bông. Tôi chỉ còn trông chờ vào đợt hành cuối vụ này thôi”.
Nhiều nông dân ở xã Vĩnh Trạch cũng gặp hoàn cảnh tương tự như ông Tính. Bởi lẽ, những yếu tố bất lợi mà thời tiết mang lại cho người trồng màu năm nay là không nhỏ. Trong tháng 4 vừa qua, một đợt mưa lớn đã làm gần như mất trắng hơn 37ha rau màu của bà con. Cộng thêm mùa khô kéo dài với nắng nóng đã làm cho mạch nước ngầm ở các giếng khoan bị cạn, nên việc tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nỗi lo lớn nhất của bà con trồng màu ở xã Vĩnh Trạch là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Từ lâu, đầu ra cây màu ở vùng này được các thương lái nhỏ thu mua tại rẫy, và giá cả cũng tùy thuộc vào thương lái. Giá nông sản của cây màu không ổn định nên bà con thường xuyên gặp cảnh trúng mùa - thất giá, hoặc trúng giá - thất mùa. Ông Quách Thế Xuân (ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch), bày tỏ: “Năm 2012, vào thời điểm này, gia đình tôi phải nhổ bỏ gần 3 công cải vì không ai mua. Còn năm nay thì giá cải tăng cao mà lại không có cải để bán. Thật là nghịch lý!”.
Hiện nay, cây màu ở xã Vĩnh Trạch chưa có một đầu ra cố định nào. Chỉ có một vài thương lái bao tiêu sản phẩm nhưng cũng chỉ hạn chế ở mức một vài hộ gia đình và chỉ đặt hàng một vài loại cây màu nhất định. Như vậy, thêm một vấn đề khó nữa của bà con ở đây chính là trồng cây gì để sản phẩm có được đầu ra đúng vào thời điểm mà thị trường có nhu cầu để bán được giá cao. Ông Thạch Mên (ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch), chia sẻ: “Tôi canh tác 3,5 công rẫy. Vụ màu này tuy có khó khăn nhưng gia đình tôi cũng lời hơn 15 triệu đồng. Cái khó nhất là tính toán làm sao để thời điểm thu hoạch sản phẩm đúng lúc thị trường đang cần, như vậy mới có lãi. Vì thế, năm nào tôi cũng lựa chọn giống cây trồng và tính toán rất kỹ thời điểm gieo trồng”.
Ông Lưu Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch, cho biết: “Để tháo gỡ những khó khăn của người trồng màu, UBND xã và Thành ủy Bạc Liêu đã tìm một số giải pháp như: Đưa giống mới cho năng suất và giá trị thương phẩm cao để nông dân áp dụng trồng trọt. Thường xuyên kết hợp với cơ quan chức năng mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch, rau an toàn để người dân bán được giá cao hơn. Bên cạnh đó, Ban nông nghiệp của xã cũng mong muốn cho nông dân được tiếp cận, áp dụng mô hình rau sạch, mô hình trồng rau trong nhà lưới… để tăng năng suất và tăng giá bán sản phẩm; có được một chợ đầu mối để tiêu thụ nguồn hàng cho bà con”.
Phạm Đoàn
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế