Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP
Cùng với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể tích cực tham gia và bước đầu đạt được hiệu quả đáng ghi nhận.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh tham quan khu trưng bày các sản phẩm nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP Bạc Liêu.
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP
Hiện toàn tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó có 52 sản phẩm đạt 3 sao và 16 sản phẩm đạt 4 sao. Theo kế hoạch năm 2021, tỉnh sẽ xếp hạng, đánh giá và gắn sao công nhận thêm 22 sản phẩm OCOP. Hiện các huyện, thị, thành phố đang tiến hành các bước đánh giá, bình chọn, đồng thời hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 1 năm 2021 của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Năm nay, kế hoạch của huyện là xây dựng 5 sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP, chủ yếu là các mặt hàng nông sản đặc trưng (trâu kho rim, các loại khô cá đồng) và hàng thủ công mỹ nghệ (đan đát) của địa phương. Theo đó, đối với các doanh nghiệp, HTX thì huyện hướng dẫn làm thủ tục để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; còn đối với các hộ cá thể, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ về mặt thủ tục để huyện đánh giá, bình chọn, sau đó đưa lên Hội đồng tỉnh đánh giá, xếp hạng và gắn sao công nhận”.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay các địa phương đang hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các thủ tục cho gần 20 sản phẩm để trình Hội đồng tỉnh đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP đợt 1/2021.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh họp đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP.
NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM
Chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là "hạt nhân" tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chương trình OCOP chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Ông Mã Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết: “Các sản phẩm được tỉnh gắn sao công nhận sản phẩm OCOP có lượng tiêu thụ mạnh hơn, một số sản phẩm được xuất khẩu. Điển hình là các sản phẩm của Công ty THHH MTV Thanh Phu và Công ty Hải Liên trên địa bàn huyện”.
Các sản phẩm OCOP Bạc Liêu.
Công ty THHH MTV Thanh Phu có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao như: chả mực, chả tôm phụng, tôm tẩm bột, mực tẩm bột… Ông Nguyễn Văn Vường - Tổng Giám đốc Công ty Thanh Phu, cho biết: “Để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, công ty thường xuyên tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để nhiều người biết đến. Hiện một sản phẩm OCOP của công ty đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu”.
Theo Huỳnh Thanh Sơn - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: “Hiện nay, các huyện, thị, thành phố đang lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia bình chọn sản phẩm OCOP. Sau khi lựa chọn, các địa phương tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm, đảm bảo đạt kế hoạch năm 2021 đề ra”.
MINH ĐẠT
Muối Bạc Liêu - sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Ảnh: M.Đ
Các bước chuẩn hóa quy trình OCOP
Có 6 bước chuẩn hóa quy trình OCOP: Một là tuyên truyền, hướng dẫn về triển khai OCOP: giai đoạn đầu khi triển khai chương trình, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết đến, hiểu hơn về chương trình. Hai là nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm. Ba là nhận phương án, dự án sản xuất - kinh doanh. Bốn là triển khai phương án, dự án sản xuất - kinh doanh. Sau khi đã tiêu chuẩn hóa, hoàn thiện về sản phẩm, địa phương tiếp tục triển khai công tác. Năm là đánh giá và xếp hạng sản phẩm. Sáu là xúc tiến thương mại.
M.C (theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương)
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân
- Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc hơn 300 cử tri TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
- Rầm rộ khuyến mại dịp 30/4