Bạc Liêu: Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, quản trị tốt

Thứ Hai, 01/02/2021 | 16:49

Theo báo cáo của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, phát triển nông nghiệp được quan tâm và tiếp tục gặt hái được những kết quả đáng phấn khởi. Phát huy thành tích này, giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu và không ngừng tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh mang lại giá trị gia tăng cao.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi trúng mùa lúa. Ảnh: L.D

NHIỀU THÀNH TỰU QUAN TRỌNG

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) trình Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa diễn ra và thành công tốt đẹp. Trong đó, sản xuất nông nghiệp được đánh giá là đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tăng, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khép kín từ đầu vào đến khâu sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp đã thực hiện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh và phát triển dịch vụ môi trường rừng đạt kết quả tích cực. Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất trên biển đã được tổ chức lại theo mô hình hợp tác đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ, bước đầu đã thu hút được đông đảo ngư dân và góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn tàu cá. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả tích cực, đã hoàn thành sớm gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.

Đặc biệt, nhận thức về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được nâng lên. Đã chú trọng, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của các cảng hàng không, cảng biển, phát triển dịch vụ du lịch, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản… Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển, các đảo được cải thiện rõ rệt, nhất là các công trình điện lưới quốc gia nối với các đảo lớn, các cảng biển, trung tâm nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển và hải đảo được cải thiện…

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc. Đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm; đa số doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả chưa cao, việc sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp hiệu quả thấp; ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền khá lớn; kết quả xây dựng NTM ở một số địa phương chưa thật sự bền vững, nhất là về sinh kế và nâng cao thu nhập người dân.

ĐẨY MẠNH TÁI CƠ CẤU

Tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xây dựng NTM cấp thôn, bản. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 75%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Song song đó, xây dựng chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn hoặc làm đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, phát triển rừng phòng hộ ven biển. Cơ cấu lại ngành Thủy sản theo hướng phát triển khai thác xa bờ, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển. Xây dựng trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm; nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý nghề cá…

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình).

THI ĐUA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

Tỉnh Bạc Liêu có thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, do đó Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh quyết tâm chung sức với cả nước thực hiện các mục tiêu chiến lược này và tiếp tục đưa sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Quyết tâm ấy đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025 Bạc Liêu sẽ tập trung quy hoạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm khép kín, từng bước hiện đại, quản trị tốt theo chuẩn mực quốc tế, với những định hướng đột phá. Đó là phát triển cả về số lượng, chất lượng hệ thống trang trại theo hướng hiện đại, sinh thái nông nghiệp; Quy hoạch các cụm, khu công nghiệp chế biến sâu thực phẩm chất lượng cao, an toàn trên cơ sở sản phẩm nông nghiệp, thủy, hải sản địa phương; Xây dựng cơ chế liên kết (cùng đầu tư, quản trị...) giữa trang trại với các doanh nghiệp từ sản xuất con giống, thức ăn, chế biến và thương mại; Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản an toàn, sinh thái, tự nhiên (tôm, nhãn, hải sản...); phát triển Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp giống, nuôi trồng, chế biến về tôm của cả nước.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM có hiệu quả; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tạo thương hiệu sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh và giá trị lớn; gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực như: tôm, cua biển, cá, nhuyễn thể; trong đó, xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn. Đối với trồng trọt là lúa chất lượng cao, gắn với phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết “4 nhà”; tập trung phát triển vùng sản xuất rau, quả công nghệ cao; xây dựng và mở rộng mô hình lúa - tôm ở những nơi có điều kiện.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường; quy hoạch và phát triển các loài vật nuôi, nhất là các loài có tiềm năng và lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh xây dựng mô hình mỗi xã có ít nhất một sản phẩm chủ lực, gắn mô hình hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm. Quản lý và phát triển rừng theo hướng vừa bảo tồn, vừa kết hợp du lịch sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển…

Với khí thế lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu sẽ thi đua lao động, sáng tạo và quyết tâm hoàn thành các mục tiêu chiến lược trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển nhanh, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

KIM TRUNG

Theo định hướng phát triển các vùng và khu kinh tế từ nay đến năm 2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đẩy mạnh liên kết phát triển và phát triển hạ tầng giao thông kết nối với vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Khai thác lợi thế, phát triển có hiệu quả sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội, dịch vụ và kinh tế biển, đảo. Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển. Xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông. Tập trung xây dựng, phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

--------------------------------------------------------------------------

Với khí thế thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp, phóng viên Báo Bạc Liêu đã ghi nhận tâm lý phấn khởi và những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nông dân với mong muốn nhiệm kỳ 2021 - 2025 nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và tiếp tục tạo nên những đột phá mới.

* Ông Nguyễn Văn Vường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Phu (huyện Hòa Bình): Tạo cơ chế kinh tế thuận lợi, cởi mở cho doanh nghiệp phát triển

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và dân tộc, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân, trong đó có đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm, theo dõi, mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng. Đối với Công ty TNHH MTV Thanh Phu - một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản - thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Hòa Bình quan tâm và tạo điều kiện nên kinh doanh phát triển không ngừng, sản phẩm xuất khẩu ở nhiều thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nhiệm kỳ mới, tôi hy vọng Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều quyết sách hơn nữa về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng chế biến thủy hải sản; xây dựng môi trường đầu tư đổi mới, kiến tạo, môi trường khởi nghiệp trong các doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp được hoàn thiện, đồng bộ; các thủ tục hành chính được đơn giản, thông thoáng hơn nữa; tạo dựng môi trường kinh doanh đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, minh bạch của các thành phần kinh tế. Đặc biệt là triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nước với các thị trường xuất khảu tiềm năng khác… Sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Chính phủ sẽ khơi dậy khí thế mới, động lực mới giúp đội ngũ doanh nghiệp có thêm động lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi bước vào một thời kỳ phát triển mới.

* Ông Trần Thanh Ngân, nông dân xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân: Mong Đảng và Nhà nước có những quyết sách mới về nông nghiệp - nông thôn

Tôi mong rằng, thông qua Đại hội lần này, Trung ương sẽ có những quyết sách phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Trong đó, quan tâm xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, tư vấn lựa chọn cây - con giống chất lượng cao và nhất là đề ra đường hướng đúng đắn đi cùng với những chủ trương linh hoạt hơn để thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, nâng tầm chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời có những giải pháp mang tính căn cơ để giúp nông dân từng bước ổn định đầu ra nông sản. Nâng cao hơn nữa vai trò của Nhà nước trong giải quyết khó khăn ở khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm để nhà nông yên tâm sản xuất, gắn bó với ruộng đồng, góp phần cải thiện nguồn thu nhập, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.