Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Bấp bênh đầu ra sản phẩm làng nghề
Các sản phẩm làng nghề truyền thống là kết tinh của tinh thần sáng tạo, chinh phục thiên nhiên của các bậc tiền nhân, có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn gắn với bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển làng nghề hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sản phẩm đan đát của HTX Trúc Xanh chờ xuất đi tiêu thụ.
Làng nghề bị thu hẹp
Toàn tỉnh hiện có 9 làng nghề truyền thống như: nghề làm muối, nghề rèn, mộc, nghề đan đát, đan lưới, chằm lá… Những năm gần đây, việc duy trì và phát triển làng nghề đã giúp các địa phương giải quyết việc làm cho số lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thế nhưng hiệu quả và doanh thu của các làng nghề vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng cũng như công sức mà người thợ làng nghề bỏ ra. Một số làng nghề hoạt động thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất, số hộ gia đình làm nghề có chiều hướng bị thu hẹp, thậm chí có làng nghề gần như ngừng hoạt động do khó khăn về đầu ra cho sản phẩm như: làng nghề chằm lá, làm bánh tráng ở huyện Hồng Dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phần lớn các cơ sở sản xuất ở các làng nghề quy mô còn nhỏ, thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao nên sản phẩm làm ra chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; các điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với người tiêu dùng còn thiếu và yếu...
Ông Tạ Hai Tấn (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Hồi xưa, tuy việc đi lại khó khăn nhưng nghề mộc dễ kiếm tiền lắm. Người ở địa phương khác thường xuyên tìm đến xưởng đặt đóng bàn ghế, cày, giường, tủ, gia công nhà…, công việc làm không xuể. Bây giờ, nghề mộc không còn thịnh như trước, chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng chứ sản phẩm làm thủ công không cạnh tranh lại hàng mộc công nghiệp với mẫu mã, màu sắc bắt mắt, giá thành cũng rẻ hơn”.
Không riêng gì nghề mộc, nghề rèn và nghề đan đát cũng chịu chung số phận hẩm hiu. Những sản phẩm làng nghề những năm gần đây tuy không ngừng được cải tiến về mẫu mã để bắt kịp xu hướng của thị trường nhưng các sản phẩm làng nghề vẫn khó cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp. Mặt khác, thu nhập từ nghề này khá khiêm tốn, chỉ từ 150.000 - 180.000 đồng/người/ngày. Bà Trần Thị Hồng Xuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã đan đát Trúc Xanh (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), chia sẻ: “Tôi rất muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của quê hương mình nhưng thời gian qua, làng nghề đan đát truyền thống thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ khó tìm đầu ra mà người thợ lành nghề còn theo nghề ngày càng ít dần, nguồn nguyên liệu cũng ngày một khan hiếm”.
Người dân làng nghề mộc xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) xẻ cây để gia công sản phẩm. Ảnh: C.L
Vực dậy các làng nghề
Từ thực tế nêu trên, chính quyền địa phương cũng như các hội, đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đã tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử, hỗ trợ kinh phí xây dựng website thương mại điện tử cho hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Cùng với đó, Trung tâm Phát triển Công thương tỉnh tích cực hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn của chương trình khuyến công; tư vấn xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề. Tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, như: Hội chợ thương mại khu vực; hội chợ OCOP; hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Qua đó, giúp các cơ sở, hộ sản xuất ở các làng nghề có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Song, để sản phẩm làng nghề thật sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng thì mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề phải làm ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Các làng nghề cũng cần nâng cao trình độ cho người lao động, tiếp thu những công nghệ mới; phát huy thế mạnh của các nghệ nhân, thợ giỏi trong cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ; chủ động cơ cấu lại sản xuất theo hướng liên kết; tập trung xây dựng nhãn hiệu để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm... Có như vậy, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, tìm đối tác phù hợp để trao đổi, thỏa thuận, thương thảo ký cam kết, qua đó đưa sản phẩm đến nhiều kênh tiêu thụ như trung tâm thương mại, khu du lịch, chuỗi siêu thị và tìm hướng xuất khẩu.
Chí Linh