Cách phòng trừ rầy nâu

Thứ Sáu, 01/06/2018 | 16:52

Trước tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) có nguy cơ bùng phát, xin giới thiệu đến nông dân tài liệu Sổ tay hướng dẫn phòng trừ rầy nâu truyền bệnh VL-LXL hại lúa (của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật).

Rầy nâu phá hại lúa. Ảnh: M.Đ

* Đặc điểm truyền bệnh

Rầy nâu chích hút nhựa cây lúa bị bệnh VL-LXL rồi mang mầm bệnh này trong cơ thể để truyền sang cho cây lúa khỏe mạnh khi chúng đến chích hút cây lúa đó. Rầy nâu mang mầm bệnh VL-LXL có khả năng truyền bệnh cho đến khi chết. Cây lúa càng non càng dễ bị nhiễm bệnh, về sau có thể không trổ bông được, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng. Cây lúa già bị nhiễm bệnh thì năng suất giảm ít hơn. Tóm lại, rầy nâu chỉ truyền bệnh khi có nguồn bệnh (lúa bị bệnh, cỏ bị bệnh) tồn tại trên đồng ruộng.

* Các biện pháp phòng bệnh VL-LXL

- Không trồng lúa liên tục trong năm, bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất 20 - 30 ngày, không để vụ lúa chét. Theo sự phân vùng của ngành Nông nghiệp, thời vụ trong cùng một vùng phải tập trung, không được gieo sạ kéo dài.

- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày, trục kỹ trước khi gieo sạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước.

- Sử dụng giống lúa kháng rầy, lúa giống có chất lượng tốt, không lấy lúa thịt làm lúa giống; nếu có điều kiện có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý hạt giống. Không gieo dày trên 120kg giống/ha.

- Gieo sạ lúa vào thời gian có thể né rầy. Thường mỗi tháng có một đợt rầy kéo dài từ 5 - 7 ngày, để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn. Như vậy, lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh.

- Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa. Không bón quá thừa phân đạm (urê); tăng lượng phân lân và phân kali để nâng sức chống chịu của lúa đối với bệnh. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu.

* Phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật

Khi phát hiện có rầy trên lúa thì phun xịt thuốc bảo vệ thực vật để diệt rầy.

- Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày, nếu phát hiện rầy nâu thì phun thuốc diệt trừ.

- Giai đoạn từ sau 20 ngày đến lúc lúa trổ, chín nếu phát hiện rầy nâu với mật số từ 3 con/lá lúa trở lên thì phun xịt thuốc trừ rầy. Phải phun xịt thuốc theo phương pháp “4 đúng”. Đó là: đúng loại thuốc (theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật địa phương); đúng liều lượng (pha thuốc theo đúng liều lượng và phun đủ lượng nước thuốc pha theo hướng dẫn ghi trên nhãn bao bì của mỗi loại thuốc); đúng lúc (khi phát hiện rầy cám ở tuổi 1 - 3, hoặc rầy trưởng thành chiếm đa số trong ruộng); đúng cách (hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy bám; không được phun trên ngọn lá lúa).

Nếu phòng trừ rầy nâu triệt để thì diệt được vật trung gian truyền bệnh VL-LXL trên các trà lúa. Vì vậy, các địa phương cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL một cách quyết liệt nhằm đạt hiệu quả cao.

M.C

(Trích tài liệu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.