Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Cần hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho vùng luân canh
Qua thời gian thực hiện, mô hình tôm - lúa đã chứng minh tính hiệu quả. Tuy nhiên, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu, trong khi hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất trong vùng chuyển đổi chưa thật sự đáp ứng tốt vai trò thoát mặn, xổ phèn, tiêu úng, dẫn ngọt khiến cho người dân vùng chuyển đổi không khỏi lo lắng.
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen canh trên ruộng lúa. Ảnh: C.L
Chưa đồng bộ
Được triển khai từ năm 2001, đến nay, toàn tỉnh có hơn 40.000ha thực hiện mô hình luân canh tôm - lúa, chiếm hơn 33% diện tích nuôi tôm trong tỉnh. Với tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm, mô hình này được các nhà khoa học xác định là phương thức sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, qua hơn 20 năm gắn bó với đồng đất Bạc Liêu, mô hình tôm - lúa cũng đang phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chuyện con tôm khát mặn, cây lúa chờ ngọt đã đặt ra bài toán cho hệ thống thủy lợi vùng chuyển đổi.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 105 cống đầu mối và được phân chia thành 6 hệ thống với những chức năng khác nhau gắn với từng tiểu vùng sản xuất. Nhiệm vụ chính của hệ thống này là kiểm soát mặn, tiêu úng, xổ phèn, hút ngọt, tiêu ô nhiễm phục vụ cho khu vực chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A. Trên thực tế, hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, chủ yếu tận dụng những công trình hiện hữu từ giai đoạn chuyên canh lúa để chuyển sang sản xuất tôm - lúa nên hiệu quả từ việc dẫn mặn, giữ ngọt không ổn định. Do vậy, khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang mô hình luân canh tôm - lúa, hệ thống này đã bộc lộ các khuyết điểm của mình và khó đảm trách được chức năng vừa giữ ngọt cho cây lúa, nhưng phải vừa cấp mặn cho con tôm. Và sự tranh chấp mặn, ngọt ở các vùng chuyển đổi luôn là một bài toán khó.
Theo nhiều nông dân trong vùng chuyển đổi, hiện đang bước vào giai đoạn gieo sạ vụ lúa trên đất tôm, mưa nhiều giúp cho việc tháo chua, rửa mặn khá thuận lợi, ít tốn kém. Thế nhưng, mọi người cũng đang lo, tình trạng thừa ngọt sẽ tái diễn như vụ mùa trước khi vào trung tuần tháng 2 mà độ mặn trên các trục kênh vẫn neo ở mức 3 - 4‰, rất khó thả tôm. Ông Nguyễn Kỳ Phong - cán bộ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Nông dân gặp khó, ngành chức năng cũng phải chịu nhiều áp lực trong việc điều tiết nguồn nước. Là vùng chuyển đổi lại có cả vùng chuyên canh lúa nằm liền kề nhưng chỉ sử dụng chung một hệ thống kênh mương, do đó, nếu dẫn mặn không khéo sẽ khiến lượng lớn nước mặn xâm nhập vào vùng chuyên lúa, còn nếu không dẫn mặn thì bà con vùng chuyển đổi sẽ không có nước mặn nuôi tôm”.
Cần giải pháp lâu dài
Từ thực tế sản xuất cho thấy, nhờ hệ thống thủy lợi đồng bộ mà nhiều cánh đồng lớn trong vùng sản xuất lúa ổn định luôn không phải chịu nhiều tác động của các hình thái thời tiết bất lợi và thường có năng suất cao hơn so với các vùng nằm ngoài ô đê bao. Do đó, để giữ ổn định sản xuất vùng luân canh tôm - lúa, các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công trình lẫn phi công trình.
Trước tiên, các địa phương cần tính toán kỹ vùng nuôi trồng tôm - lúa để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng đồng bộ. Quản lý tốt vùng luân canh để tránh tình trạng người dân phá vỡ quy hoạch sản xuất. Đồng thời, ưu tiên nguồn ngân sách để tiến hành nạo vét, dẫn dòng thông thoáng, giúp thoát mặn nhanh, giữ ngọt ổn định và ngược lại. Từ đó tạo nên những “cú hích” mới, giúp cây lúa và con tôm không ngừng tăng năng suất, giá trị và trở thành hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia với thương hiệu cạnh tranh là “lúa thơm - tôm sạch”. Đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép nhằm chủ động trong sản xuất. Song song đó là nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Theo ông Lê Văn Tần - Chủ tịch UBND huyện Phước Long: “Hiện huyện đang tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi để tiến tới mở rộng mô hình luân canh tôm - lúa trên địa bàn. Song song đó, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để bà con nhận thấy đây là mô hình bổ trợ cho nhau để không ai vì lợi ích kinh tế nhất thời mà phá vỡ mô hình luân canh, chuyển sang độc canh con tôm. Khi hệ thống thủy lợi hoàn thiện còn giúp ngành Nông nghiệp của huyện từng bước thích ứng, hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu”.
Để hiện thực hóa chủ trương hài hòa mặn - ngọt, tiến tới phát triển và nhân rộng mô hình “lúa thơm - tôm sạch”, tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư cho Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất tôm - lúa khu vực TX. Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân trên diện tích khoảng 6.000ha, với tổng mức đầu tư khoảng 260 tỷ đồng.
Chí Linh