Chủ động các phương án bảo vệ sản xuất trong mùa khô

Thứ Hai, 13/02/2023 | 16:08

Để phòng ngừa, ứng phó với đợt hạn, mặn năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp chủ động phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất.

Nạo vét tuyến kênh nội đồng để dẫn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Hồng Dân.

Sẵn sàng ứng phó

Theo các chuyên gia khí tượng nhận định, mùa khô và xâm nhập mặn ở Nam Bộ diễn ra từ tháng 12/2022 - 3/2023, tương đương so với cùng kỳ mùa khô năm 2021 - 2022. Tuy nhiên, mức độ khô hạn của mùa khô năm nay không gay gắt như các năm trước. Để bảo đảm nguồn nước tưới cho vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, vụ hè thu 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn mặn; tăng cường khảo sát, đánh giá xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính; kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng kịch bản rủi ro thiên tai theo hai cấp độ 1 và 2, với các phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Điều tiết, vận hành hợp lý hệ thống các công trình đầu mối, góp phần điều hòa, phân bổ hợp lý nguồn nước được tích trữ trong khu vực nội đồng nhằm đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng trong suốt mùa khô 2022 - 2023. Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: “Để giảm thiểu những tác động do tình hình hạn, mặn và thiếu nước trong sản xuất, bảo vệ vụ mùa cho người dân, Chi cục đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện việc nạo vét các tuyến kênh chính, kênh nội đồng. Bố trí, sắp xếp thời gian vận hành các cống phân ranh để điều tiết nước mặn - ngọt cho các vùng chuyên canh và luân canh… Tuy mùa khô năm nay được dự báo không diễn ra gay gắt như năm 2019 - 2020, nhưng với vai trò và nhiệm vụ của mình, Chi cục đang thực hiện đúng các quy định để đảm bảo cho nông dân trong tỉnh có vụ mùa thành công”.

Kiểm tra nguồn nước trên tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp để làm cơ sở vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới. Ảnh: C.L

Đồng hành cùng nông dân

Bên cạnh việc thực hiện các công trình trong phòng chống hạn, mặn bảo vệ vụ mùa thì một giải pháp cũng không kém phần quan trọng trong việc giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động của thời tiết đến sản xuất của nông dân chính là hướng dẫn, vận động người dân chủ động các phương án ứng phó. Cùng với đó là không xuống giống ở những vùng nguồn nước không đảm bảo, cơ cấu lại vụ mùa, giống lúa phù hợp để người dân canh tác “né” mặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, thường xuyên thăm đồng, nhất là những vùng sản xuất có nguy cơ bị ảnh hưởng mặn. Các địa phương trong tỉnh tập trung nạo vét kênh, mương nhằm tăng khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa khô, gia cố đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, làm bờ bao bảo vệ lúa đông xuân 2022 - 2023 và phòng chống hạn mặn cho sản xuất vụ lúa hè thu 2023. Ông Huỳnh Văn Trứ (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nay lượng mưa nhiều và nhờ việc điều tiết nước phù hợp của các trạm bơm tát đã giúp cho nguồn nước phục vụ sản xuất trên các tuyến kênh nội đồng hiện nay khá dồi dào, nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, để đảm bảo không có sai số trong quản lý, kiểm soát nguồn nước, bên cạnh sự tuân theo chỉ dẫn của ngành Nông nghiệp, người dân nơi đây cũng chủ động đo độ mặn của nước trước khi bơm vào ruộng lúa. Hy vọng, vụ lúa đông xuân năm nay sẽ trúng mùa, được giá”.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, nông dân trên toàn tỉnh đã tiến hành xuống giống trên diện tích 42.925ha. Hiện lúa đang bước vào giai đoạn trỗ bông.

Trong khi các địa phương trong vùng chuyên canh đang cần trữ nước ngọt cho vụ lúa đông xuân thì ở những vùng chuyển đổi, người dân cũng bước vào vụ tôm lại cần nguồn nước mặn. Để tránh xảy ra tình trạng xung đột mặn - ngọt, hoặc thừa ngọt - thiếu mặn khiến cho tôm nuôi không thể phát triển, hiện ngành Nông nghiệp các địa phương cũng đang triển khai các phương án dẫn nước mặn về đồng, nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý, kiểm soát tốt nguồn nước ở những vùng giáp ranh, hạn chế thấp nhất việc nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại cho người dân trong vùng sản xuất lúa.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.