Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Chủ động giảm chi phí trong sản xuất
Chưa năm nào mà ngành Nông nghiệp phải cùng lúc đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như năm nay. Từ việc chi phí sản xuất tăng cao, đến giá nông sản bán ra lại thấp hơn nhiều so với trước do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Để giảm chi phí đầu tư, nông dân cần quan tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật và nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: C.L
CHI PHÍ ĐẦU VÀO TĂNG CAO
Trong bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, chi phí sản xuất là một trong những yếu tố quyết định đến lợi nhuận và giá thành sản phẩm. Việc cắt giảm chi phí sản xuất có thể làm tăng lợi nhuận và giảm được giá thành sản phẩm. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng, tăng trưởng trên lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu dựa trên tăng diện tích canh tác, thâm canh, tăng vụ và tăng cường sử dụng phân bón, tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, sản lượng đầu ra ngày càng đòi hỏi chi phí đầu vào cao hơn. Hệ quả của việc chạy theo sản lượng là việc sử dụng thái quá vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trong các nông hộ còn thấp.
Theo tính toán của nông dân, nếu trước đây chi phí sản xuất cho một công đất trồng lúa chỉ từ 1 - 1,5 triệu đồng, thì nay khoản đầu tư ban đầu này đã tiêu tốn của người nông dân từ 2 - 2,5 triệu đồng. Cùng với đó, tình trạng sâu bệnh, mưa dầm gây ngập úng cục bộ đầu và cuối vụ cũng là một trong những nỗi ám ảnh của bà con nông dân mỗi khi bước vào vụ mới. Ông Trần Văn Vũ (xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Mấy năm nay bà con nông dân mình làm lúa nhìn sản lượng thì mừng đó, vì vụ sau luôn cao hơn vụ trước. Nhưng chi phí đầu vào các thứ cũng theo đó mà leo thang theo từng vụ. Suy cho cùng, lợi nhuận cũng đâu hơn gì trước bao nhiều, mà giờ nó giống như “phong trào” rồi, mình không xài phân, thuốc thì cuối vụ lúa thất lại không bằng hàng xóm”.
Theo phân tích của ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa thì giống chiếm 9%, phân bón chiếm 22%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%, lao động 28%... Do đó, khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư đầu vào tăng sẽ kéo theo giá thành sản xuất tăng. Mặt khác, dù chưa có một nghiên cứu khoa học chính thức nào, nhưng theo phản ánh từ thực tiễn sản xuất của bà con nông dân, việc lạm dụng quá nhiều các loại phân, thuốc hóa học vào các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa đã làm cho chất lượng hạt gạo không còn được mùi vị thơm ngon vốn có. “Trước đây nấu nồi cơm gạo Tài nguyên thì ở khoảng cách khá xa đã nghe được mùi thơm ngạt ngào của mùi gạo mới. Còn giờ sản xuất kiểu chạy theo lợi nhuận là chính, dần làm mất đi những mùi vị thơm ngon tự nhiên của hạt gạo”, ông Danh Văn Thương (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) cho biết.
Nông dân TX. Giá Rai bón phân cho lúa.
KÉO GIẢM CHI PHÍ ĐẦU TƯ
Trong khi chờ những giải pháp mang tính vĩ mô để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải pháp trước mắt của nhà nông là “tự mình cứu mình” bằng cách phải kéo giảm chi phí đầu vào để sản xuất có lãi, sống được bằng nghề nông. Các chuyên gia cho rằng, việc hạ giá thành sản xuất lúa không chỉ có ý nghĩa gia tăng lợi nhuận đối với nông dân mà còn giúp ngành Lúa gạo Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh và thuận lợi hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh việc cắt giảm bớt lượng phân bón, nông dân cần khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp của mình để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước ta mỗi năm có hơn 150 triệu tấn các loại phụ phẩm trong nông nghiệp, đây là nguồn làm phân bón hữu cơ rất dồi dào.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều mô hình canh tác lúa thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế dần các loại phân vô cơ và phân hóa học. Điển hình như ở Hợp tác xã (HTX) Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi), hơn một năm nay, HTX đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng phân hữu cơ để thay thế dần cho các loại phân hóa học trên diện tích canh tác gần 100ha và bước đầu đã cho những kết quả rất khả quan. Anh Trần Vũ Luôn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nam Hưng, cho biết: “Nếu mình quan sát kỹ, không nóng vội thì phân hữu cơ sử dụng rất hiệu quả mà chi phí lại khá rẻ so với các loại phân bón khác. Tôi mong rằng, bà con mình sẽ dần thay đổi phương thức canh tác, tập quen dần với các loại phân hữu cơ để mang lại cho đồng ruộng quê mình một màu xanh gần gũi với thiên nhiên”.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu bón phân theo cách thủ công thông thường, cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 50% hàm lượng dinh dưỡng, phần còn lại đều bị bốc hơi mất. Trong khi đó, nếu áp dụng kỹ thuật vùi phân có thể tăng tỷ lệ được hấp thụ lên 80%, vừa giảm lượng phân bón thực tế mà vẫn đạt được hiệu quả. Trong bối cảnh giá nhiều loại phân bón đang tăng cao, các địa phương nên khuyến cáo nông dân giảm lượng phân đạm, kali trong 1 - 2 vụ, thực hiện bón vôi khi xới đất vẫn đảm bảo năng suất cho cây lúa mà chi phí lại giảm đáng kể. Chính vì vậy, việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân vừa tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản xuất, vừa bảo vệ môi trường.
Để cắt giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh bền vững cho lúa gạo, ngành Nông nghiệp cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hành canh tác đúng kỹ thuật, phát huy tối đa hiệu quả của phân bón, vật tư nông nghiệp. Song song đó, phải đảm bảo có nguồn giống chất lượng cao, quản lý tốt đồng ruộng và nguồn nước tưới tiêu.
CHÍ LINH