Chủ động sản xuất trước nguy cơ xâm nhập mặn

Thứ Hai, 21/02/2022 | 16:16

Theo dự báo của các nhà khoa học, năm nay, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm, lấn sâu vào nội địa do lưu lượng nước ngọt thượng nguồn giảm. Trước tình hình này, các địa phương trong tỉnh và các ngành chức năng đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó.

Vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới giúp kiểm soát tốt nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2022.

Mặn đến sớm

Theo dự báo của ngành chuyên môn, lượng nước ngọt năm nay thấp hơn trung bình mọi năm từ 7 - 15%, khả năng thiếu nước ngọt và làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến các vùng sản xuất, đặc biệt là đối với trà lúa đông xuân. Tuy nhiên, mức độ xâm nhập của nước mặn sẽ không gay gắt như năm 2019 - 2020. Riêng tại Bạc Liêu, ngay từ giữa tháng 2/2022, tình trạng xâm nhập mặn đã diễn ra khá gay gắt, có lúc đỉnh điểm, độ mặn đo được tại khu vực ngã ba Ninh Quới (huyện Hồng Dân) lên đến hơn 9%o. Trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra sớm và có nguy cơ xâm nhập sâu vào nội đồng khi mùa khô đang chuyển dần vào cao điểm như hiện nay, trà lúa đông xuân năm 2022 trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước do nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu về Bạc Liêu qua trục Quản lộ Phụng Hiệp dự báo sẽ thiếu hụt, thêm vào đó nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn sớm sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nước từ Sóc Trăng về Bạc Liêu.

Ông Trần Thanh Nhơn (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nay mới vừa qua tết là nước mặn đã đổ về. Hiện trà lúa gia đình tôi đang vào giai đoạn trổ bông, nếu không quan trắc kỹ lấy phải khối nước mặn vào ruộng thì coi như mất trắng. Những ngày qua, tất cả các cống ngăn mặn trên địa bàn xã đều đóng chặt nên nông dân chúng tôi cũng yên tâm sản xuất”. Nước mặn đổ về sớm, những tưởng sẽ là “tín hiệu vui” cho bà con vùng chuyển đổi sẵn sàng mọi điều kiện để bước vào vụ tôm mới. Song, độ mặn tăng cao kết hợp với nắng nóng cục bộ trong những ngày tới đây theo dự báo cũng sẽ là một thách thức lớn. Bởi, nếu độ mặn cao hơn 25%o sẽ vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp cho con tôm. Cùng với đó, do đầu vụ đông xuân 2022 xuất hiện những trận mưa trái mùa đã khiến cho nhiều diện tích lúa của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống không kịp lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình xâm nhập mặn khiến cho nhiều nông dân khá lo lắng.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch dứt điểm vụ lúa trên đất tôm để chuẩn bị các điều kiện thả giống. Ảnh: C.L

Chủ động ứng phó

Trước nguy cơ và tình hình xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là vùng Bắc Quốc lộ 1A, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đang khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo việc điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Tại Phước Long, để bảo vệ 13.736ha lúa đông xuân, huyện đã tập trung nạo vét các tuyến kênh thủy lợi cấp 2 - 3 bị bồi lắng để dẫn nước, tạo nguồn. Đồng thời, đắp đập bơm chuyền đối với phần diện tích bị khô hạn cục bộ, các kênh không còn nước và gia cố đối với các công trình bị rò rỉ nước mặn; tổ chức bơm tát nước mặn ra khỏi vùng ngọt (nếu có); tổ chức đắp 130 con đập tạm để chủ động quản lý nguồn nước phục vụ sản xuất và xử lý kịp thời khi nước mặn xâm nhập.

Ông Nguyễn Hoàng Mến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Nếu như không chủ động có các phương án ứng phó và để nước mặn xâm nhập vào nội đồng thì không chỉ làm thiệt hại vụ mùa hiện tại của nông dân mà còn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất trong những vụ tới. Chính vì thế, huyện đã và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các giải pháp công trình và cả phi công trình nhằm ngăn triệt để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt ổn định trên địa bàn”.

Đúc kết kinh nghiệm từ những mùa khô trước, huyện Hồng Dân cũng đang quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống hạn mặn từ khá sớm. Đồng thời, lên phương án dẫn mặn về phục vụ vùng chuyển đổi của huyện sắp bước vào vụ nuôi tôm mới. Hồng Dân đã tiến hành khảo sát hệ thống thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để bảo vệ tối đa nguồn nước ngọt, giảm thất thoát, lãng phí. Huyện cũng xây dựng các kịch bản xâm nhập mặn có thể xảy ra để triển khai các giải pháp công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt tương ứng, đồng thời triển khai chỉ đạo phòng chống, ứng phó phù hợp đối với từng kịch bản.

Một thông tin đáng mừng là năm nay, cống Cái Lớn, Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) đã đi vào vận hành giai đoạn 1, ngăn mặn từ biển Tây để trữ ngọt cho một vùng rộng lên đến 384.120ha, trong đó có 346.241ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Qua đó góp phần quan trọng cho các tỉnh như: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang chủ động kiểm soát được nguồn nước mặn đổ về. Từ đó, làm cơ sở để khuyến cáo bà con nông dân có phương án canh tác phù hợp.

Theo GS-TS Tăng Đức Thắng - Tổng cục Thủy lợi: “Năm nay, cống Cái Lớn - Cái Bé đưa vào hoạt động, kết hợp với cống Âu thuyền Ninh Quới kiểm soát được mặn vùng Bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, mùa khô 2021 - 2022, các tỉnh trong khu vực cần tăng cường các giải pháp phòng chống hạn mặn tham chiếu theo mùa khô 2015 - 2016”. Việc chủ động lên phương án, kế hoạch ứng phó với hạn, xâm nhập mặn sẽ giúp giảm thiệt hại đáng kể cho nông dân. Tin rằng với sự chủ động, quyết liệt này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đạt “thắng lợi kép” như đợt hạn, xâm nhập mặn 2020 - 2021 vừa qua.

Chí Linh

Ngày 12/1, UBND tỉnh đã ban hành kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022. Theo nhận định mới nhất của các nhà khoa học và các viện, trường đại học, mùa khô năm 2021 - 2022 có thể sẽ không gay gắt như mùa khô “lịch sử” năm 2019 - 2020. Tuy nhiên nước mặn vẫn sẽ xâm nhập sớm vào đầu năm 2022 và tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngọt từ sông Mekong vẫn sẽ diễn ra trong khoảng thời gian này. Ứng phó với kịch bản này, ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt, Bạc Liêu sẽ giảm 3.400ha diện tích trồng lúa đông xuân. Ngoài ra, tỉnh phải chi hơn 18,6 tỷ đồng để đắp 89 đập ngăn mặn bảo vệ vụ lúa - tôm, 448 đập ngăn mặn bảo vệ vụ lúa đông xuân, hỗ trợ bơm tát nước, khoan bổ sung và kéo dài đường ống nước sạch…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.