Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Chủ động thích ứng và sống chung với biến đổi khí hậu
Theo dự báo của các nhà khoa học, Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Dự đoán từ nay đến năm 2050, khi mực nước biển tăng từ 22 - 30cm thì toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 180.110ha bị ngập (chiếm 69,43% tổng diện tích tự nhiên). Kéo theo đó là tình trạng xâm nhập mặn sẽ tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và cuộc sống của người dân.
Người dân phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đắp đê ngăn mặn ứng phó với triều cường.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để ứng phó với BĐKH, thời gian qua Bạc Liêu đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho Nhân dân về ứng phó với BĐKH. Đó là việc tổ chức các sự kiện về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Nước thế giới… bằng nhiều hình thức đa dạng như treo băng-rôn, dán áp-phích, tuyên truyền trên báo, đài.
Cùng với công tác này là tiến hành lập kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu trữ, trung chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn; tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí thông qua chương trình quan trắc môi trường tỉnh hàng năm; quản lý chặt chẽ mọi nguồn chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, y tế…
Song song đó, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, chủ động sống chung với hạn mặn; chủ động từ khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, tạo chuỗi giá trị khép kín. Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ, sáng tạo ra nhiều mô hình mới đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất sản phẩm sinh thái và phát triển các loại hình tái chế, tái chế chất thải; đẩy mạnh phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, trong đó ưu tiên các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt…
Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư và thực hiện các chương trình ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ đê, sông, biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể là đã hoàn thành đầu tư 2 dự án về phòng chống thiên tai (Dự án kè hai bên bờ sông TP. Bạc Liêu và Dự án khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu). Đầu tư 5 dự án khác về phòng chống sạt lở như xây dựng cống, gây bồi tạo bãi trồng rừng, nâng cấp đê; trong năm 2020 đã cơ bản hoàn thành 4 dự án, dự án còn lại đang thi công xây dựng và sẽ hoàn thành sau năm 2021.
Nông dân vùng chuyển đổi sản xuất ở huyện Hồng Dân phát triển mô hình lúa - tôm góp phần tăng thu nhập và thích nghi với xâm nhập mặn. Ảnh minh họa: L.D
Hóa giải nguy cơ thành lợi thế
Công tác ứng phó với BĐKH tuy được quan tâm, triển khai nhiều dự án, tuy nhiên, Bạc Liêu đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình, dự án ứng phó. Song, để tiếp tục ứng phó với BĐKH hiện nay và chủ động sống thích nghi, Bạc Liêu sẽ tập trung vào nhiều giải pháp. Đó là tiếp tục tăng cường phổ biến, truyền thông, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của BĐKH cho mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, nhất là những diễn biến trong bối cảnh mới.
Là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, tuy nhiên, tỉnh đã nhạy bén, chủ động biến những thách thức của BĐKH thành những cơ hội để giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn biến của thiên nhiên được đặt lên hàng đầu. Như việc tranh thủ nguồn nước mặn và xem nước mặn là tài nguyên để phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm.
Cùng với giải pháp hóa giải để thích nghi, cần phải căn cứ vào kịch bản đưa ra do BĐKH, nhất là kịch bản nước biển dâng để có những tính toán đầy đủ và phương án quy hoạch phù hợp đối với hoạt động sản xuất của các ngành, lĩnh vực, phân bố dân cư và chuyển đổi phát triển kinh tế theo cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ phù hợp. Trong quy hoạch và xây dựng chính sách, cần lồng ghép yếu tố BĐKH, khai thác tài nguyên nước để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp với những ảnh hưởng của BĐKH đối với từng ngành, lĩnh vực và từng vùng phù hợp với thực tiễn đang và sẽ diễn ra.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần có những giải pháp cho từng ngành, lĩnh vực và từng vùng đối với ảnh hưởng của BĐKH xét trong bối cảnh mới. Trước hết, cần chú trọng tới ngành Nông nghiệp trong việc cơ cấu lại cây trồng - vật nuôi do những ảnh hưởng của BĐKH, để không chỉ thích ứng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Chính phủ để phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đặc trưng của từng vùng để có những giải pháp phù hợp, chẳng hạn như đối với khu vực ven biển thì phải ưu tiên hàng đầu là ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới…
Thanh Thảo
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh