CHUNG TAY BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG PHÒNG HỘ VEN BIỂN

Thứ Sáu, 18/04/2025 | 16:26

Có vị trí địa lý nằm giáp biển và chịu tác động trực tiếp từ sạt lở, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên Bạc Liêu rất quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

Chương trình “Sống khỏe góp xanh” cùng Panasonic gắn với trồng rừng tại khu vực ven biển Bạc Liêu.

QUAN TÂM BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Rừng phòng hộ ven biển được xem là “lá chắn” thép tự nhiên ngăn chặn xâm thực, xói lở, bảo vệ các khu vực ven biển. Vì vậy, việc trồng mới và bảo vệ rừng được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng cho phát triển bền vững. 

Rừng phòng hộ đầu nguồn có vai trò điều tiết nguồn nước và dòng chảy nguồn nước. Khi xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới thì rừng phòng hộ đầu nguồn sẽ giúp việc giảm thiểu nguy cơ lũ lụt (đặc biệt là lũ ống, lũ quét) và nguy cơ xói mòn đất (bảo vệ sự màu mỡ của đất). Đồng thời, sẽ giữ lại nguồn nước, điều hòa dòng chảy cho các sông hồ, đập thủy điện ở những vùng có độ dốc cao.

Cùng với đó, rừng phòng hộ ven biển thường có chức năng chính là chắn gió, chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm nhập mặn của nước biển. Ngoài ra, các loại rừng phòng hộ khác nói chung đều có một chức năng nổi bật là bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa không khí, tạo cảnh quan và phát triển du lịch.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển diện tích rừng được thực hiện khá chặt chẽ. Công tác giao khoán đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng được thực hiện đúng quy định, đã góp phần vào việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Với tổng diện tích lâm phần của tỉnh hơn 4.582ha, thời gian qua, Bạc Liêu đã triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 - 2023, tỉnh đã tập trung trồng rừng trên 30ha đất trống rừng phòng hộ ven biển và hơn 52ha trên đất bãi bồi ven biển. Đồng thời, thực hiện khai thác tỉa thưa, trồng cây tại các khu rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu, rừng đặc dụng Canh Điền… nhằm bổ sung và phục hồi rừng.

Mặt khác, tập trung thực hiện tốt Nghị định 168 của Chính phủ quy định về khoán rừng, đến nay đã thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp cho 400 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 3.089ha. Hiệu quả kinh tế của 1ha mô hình rừng - tôm mang lại lợi nhuận từ 20 - 35 triệu đồng/năm.

Có một điều đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua chính là thu hút được sự tham gia của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Vừa qua tại Bạc Liêu, Panasonic Việt Nam chính thức được xác lập kỷ lục “Đơn vị phát động và thực hiện trồng thành công 1 triệu cây xanh trong thời gian ngắn nhất”, thông qua Chương trình “Sống khỏe góp xanh” cùng Panasonic. Đây không chỉ là cột mốc quan trọng đánh dấu nỗ lực bền bỉ trên hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero của Panasonic mà còn là minh chứng cho cam kết dài hạn trong việc lan tỏa nhận thức sống bền vững tới cộng đồng.

Một góc rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu. Ảnh: T.A

SỐNG KHỎE GÓP XANH

Chương trình “Sống khỏe góp xanh” khởi động từ năm 2022 và được Panasonic triển khai nhằm hướng đến mục tiêu Panasonic Green Impact (cam kết xanh) và Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ. Chương trình đã hiện thực hóa ý tưởng rằng mỗi cá nhân đều có thể góp sức xây dựng “Quỹ cây xanh”, ươm mầm cho những cánh rừng lớn. Với mỗi sản phẩm điều hòa, tủ lạnh, máy giặt và các sản phẩm thuộc Bộ giải pháp chăm sóc sức khỏe được bán ra, Panasonic sẽ trồng 1 cây xanh phát triển rừng vì một Việt Nam xanh khỏe mạnh. Chỉ sau 3 năm triển khai, Panasonic tự hào là doanh nghiệp được xác lập kỷ lục Việt Nam với hơn 1 triệu cây được trồng trên khắp cả nước với thời gian ngắn nhất.

Với việc tổ chức trồng rừng tại khu vực Nhà máy Điện gió Hòa Bình - Bạc Liêu trong tháng 3/2025 vừa qua, không chỉ là dấu ấn quan trọng ghi nhận những đóng góp thiết thực của Panasonic cho cộng đồng mà còn là dịp tri ân những khách hàng, đối tác đã đồng hành cùng công ty. Thành tựu này không thể đạt được nếu không có sự chung tay của cộng đồng - những người đã tin tưởng và cùng Panasonic lan tỏa lối sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Ông Marukawa Yoichi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng tự hào khi Panasonic Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Đơn vị phát động và thực hiện thành công trồng 1 triệu cây xanh trong thời gian ngắn nhất” thông qua chương trình “Sống khỏe góp xanh” cùng Panasonic. Đây không chỉ là một cột mốc ý nghĩa mà còn là động lực để chúng tôi tiếp tục theo đuổi các sáng kiến xanh, chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ sự kiện này, Panasonic mang đến nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa, nổi bật là chương trình “Thăm rừng”. Tại đây, khách mời có cơ hội trực tiếp tham quan và gieo những mầm cây mới tại rừng phòng hộ ven biển. Hoạt động này không chỉ cung cấp thêm kiến thức về cây trồng và vai trò của rừng trong bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu tác động của BĐKH, mà còn khơi dậy ý thức sống xanh trong cộng đồng.

Bên cạnh lễ xác lập kỷ lục, đây còn là cơ hội để cộng đồng cùng nhìn lại những tác động tích cực mà chương trình “Sống khỏe góp xanh” đã mang lại. Việc làm tích cực này không chỉ góp phần cải thiện cảnh quan, chống xói mòn và bảo vệ nguồn nước ngầm, các giống cây trồng này còn có khả năng hấp thụ 108.000 tấn CO2 trong vòng 10 năm tới, giúp giảm thiểu tác động của BĐKH. Thành tựu này là minh chứng rõ nét cho cam kết của Panasonic trong việc chung tay cùng cộng đồng kiến tạo một tương lai xanh và bền vững hơn.

Tiếp nối hành trình, Panasonic mong muốn truyền cảm hứng và kết nối chặt chẽ với khách hàng, đối tác cũng như toàn xã hội, lan tỏa tinh thần sống xanh và tiêu dùng có trách nhiệm. Mỗi sản phẩm tiết kiệm năng lượng, mỗi hành động thiết thực vì môi trường hôm nay sẽ góp phần hướng tới một tương lai Net Zero, Panasonic kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động vì môi trường, kiến tạo một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn…

TRUNG TUYẾT

Để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm bảo vệ và phát triển rừng như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật Đất đai năm 2013 (quy định về đất rừng phòng hộ tại điều 136 của luật này); Luật Lâm nghiệp năm 2017 (Điều 25 quy định về thẩm quyền thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ)… Đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và nhiều các văn bản pháp lý dưới luật khác quy định về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Đây là những nền tảng quan trọng thể hiện sự chú trọng đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ở nước ta.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.