Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Sức bật mới cho “tam nông” phát triển
Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tạo nên những tiền đề vững chắc cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển.
Lộ giao thông ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) được đầu tư xây dựng hoàn thiện, góp phần phát triển giao thương và tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho nông thôn. Ảnh: L.D
Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa bán cho thương lái.
NÂNG CAO THU NHẬP CHO NÔNG DÂN
Có thể nói, một trong những kết quả tạo nên động lực to lớn và mang tính chi phối trong thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh chính là tiêu chí chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để thực hiện tốt tiêu chí này, trong những năm qua, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thông qua quá trình tái cơ cấu phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập và giải quyết thêm nhiều việc làm cho nông dân. Đặc biệt là nghiên cứu xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất cho nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa lớn mang lại nhiều giá trị gia tăng và chọn việc ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến làm khâu đột phá. Cụ thể đến nay, các địa phương đã triển khai thực hiện hơn 70 mô hình sản xuất và mô hình trình diễn cho nông dân như: Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 2 giai đoạn; mô hình trồng màu (bí đỏ) trên ruộng; mô hình thí điểm trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; mô hình nuôi kết hợp tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh ở vùng có độ mặn thấp; mô hình trình diễn nuôi cá dứa; mô hình nuôi gà Đông tảo thuần; mô hình nuôi gà Ri lai; mô hình trình diễn giống lúa chịu phèn; mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa bẻ càng một giai đoạn; mô hình canh tác lúa thông minh trên nền đất tôm - lúa...
Trong các mô hình sản xuất trên, có nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhất là các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh cho lợi nhuận bình quân hơn 330 triệu đồng/ha; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh - lợi nhuận bình quân 400 triệu đồng/ha; mô hình nuôi cá kèo thâm canh - lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha…
Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 23 cánh đồng lớn với tổng diện tích canh tác hơn 11.640ha. Đồng thời, khuyến khích và vận động các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa năm 2019 được trên 50.000ha, sản lượng bao tiêu ước đạt 312.000 tấn lúa. Hiện có 40 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đại lý tham gia bao tiêu và mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.
Những mô hình sản xuất, bao tiêu nông sản đã góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, với tổng số lao động được giải quyết việc làm trên 400.000 lao động, chiếm gần 65% lao động trong độ tuổi. Qua đó, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân và ước đến cuối năm 2020 đạt trên 58 triệu đồng/người so với 25,74 triệu đồng/người của năm 2016.
Nông dân huyện Hồng Dân trúng mùa tôm nuôi trên đất lúa.
HẠ TẦNG TỪNG BƯỚC ĐƯỢC HOÀN THIỆN
Một thành tựu quan trọng khác đạt được qua 10 năm xây dựng NTM là hạ tầng giao thông, thủy lợi và điện được ưu tiên đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn. Trong đó, xây dựng giao thông nông thôn thật sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi và tạo nên tính lan tỏa mạnh, cũng như vai trò của các doanh nghiệp và nông dân đóng góp cho các công trình là rất đáng ghi nhận, tuyên dương. Đến nay có 49/49 xã có đường ô tô đến trung tâm (tăng 12 xã so với năm 2015) và đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 688 tuyến đường giao thông nông thôn (ấp liên ấp, ngõ xóm) có chiều dài gần 725km, với tổng kinh phí trên 595 tỷ đồng; xây mới và nâng cấp 520 cây cầu giao thông nông thôn...
Nhằm phục vụ tốt cho phát triển sản xuất, trong 10 năm qua ngành Nông nghiệp và các địa phương đã đầu tư nạo vét 1.179 tuyến thủy lợi, thủy nông nội đồng, với chiều dài 1.876km; nâng cấp, sửa chữa 154 đập thủy lợi ngăn mặn - giữ ngọt và nạo vét hoàn thành 4 ô thủy lợi khép kín. Đồng thời, khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Âu thuyền Ninh Quới góp phần giúp Bạc Liêu hạn chế được hiện tượng xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa và điều tiết đủ nước mặn cho vùng chuyển đổi phục vụ sản xuất cho bà con. Đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất cho cả vùng Bắc và vùng Nam Quốc lộ 1A.
Riêng phát triển lưới điện đã từng bước hoàn thiện và phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nông dân. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã đầu tư trên 664,8 tỷ đồng phát triển lưới điện, đặc biệt là Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2015 - 2020, góp phần đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,8%.
Với các công trình và dự án trên, đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hạ tầng nông thôn và tạo nên những tiền đề quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
KIM TRUNG
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT: Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Thực tiễn qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cho thấy, nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động thì nơi đó người dân rất nhiệt tình hưởng ứng. Cũng như bộ máy quản lý thực hiện chương trình càng thông hiểu về xây dựng NTM thì công tác chỉ đạo nơi đó sâu sát và Nhân dân dễ thực hiện, nhất là vai trò của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã phải là người có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với Nhân dân. Có như vậy, cả hệ thống chính trị cấp cơ sở sẽ đồng lòng vào cuộc từ những việc làm nhỏ nhất (từ trong gia đình, dòng họ của mình) đến những việc lớn hơn. Trong thực hiện các tiêu chí thì phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân là ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.
Phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục giữ vững, nâng chất các tiêu chí trong xây dựng NTM, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bạc Liêu sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, sẽ triển khai đầu tư và sớm đưa vào khai thác Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản (chủ yếu tăng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa...); đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất (theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao) để tăng năng suất tôm nuôi, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch; tiến tới mở rộng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản (thủy lợi, giao thông, lưới điện...), nhất là các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, vùng sản xuất lúa - tôm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện mô hình điểm cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh; chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống ngập úng, khô hạn, xâm nhập mặn, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh (tôm, lúa). Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” rộng khắp trong tỉnh. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật…
TÚ ANH (lược ghi)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc hơn 200 cử tri TX. Giá Rai
- Từ ngày 25/4 - 2/5/2025 xuất hiện đợt triều cường mới
- Tổng duyệt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
- TP. Bạc Liêu: Mở cao điểm chỉnh trang đô thị từ ngày 27 đến nghỉ lễ 30/4
- Khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ Hội Cựu chiến binh cơ sở