Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Cơ giới hóa cho vùng chuyển đổi: Nhu cầu bức thiết
Thực hiện việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc cơ giới hóa sản xuất lúa, từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc cơ giới hóa đồng ruộng, nhất là ở những vùng chuyển đổi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Đông đảo bà con nông dân trong vùng chuyển đổi tôm - lúa đến xem buổi trình diễn máy sạ lúa theo khóm ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân).
CƠ GIỚI HÓA: VẪN CÒN BỎ NGỎ
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được coi là yêu cầu cấp thiết, nhất là cơ giới hóa nông nghiệp. Bởi cơ giới hóa không những giải quyết được khâu lao động thủ công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, đảm bảo khung lịch thời vụ, mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, giúp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng của sản phẩm, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp được đẩy mạnh. Tuy nhiên, kể từ khi có định hướng chuyển đổi sang mô hình luân canh “con tôm ôm cây lúa” đến nay, vấn đề đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ cho mô hình này vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế canh tác cho thấy, nền đất mặt ruộng trong canh tác lúa - tôm thường yếu và nhão hơn so với những vùng chuyên lúa. Do đó, việc cải tạo đất của bà con gặp khá nhiều khó khăn và tốn kém chi phí. Ông Trần Thanh To (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Từ khi chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, đời sống của bà con trong xóm ấp đã có nhiều đổi mới. Thế nhưng, cũng từ đó đến nay, việc cải tạo đất, thu hoạch, bảo quản lúa… vẫn chưa có nhiều cải tiến do những loại phương tiện cơ giới như máy cắt, máy xới từ vùng chuyên lúa mà chuyển qua đây không được cải tiến thì coi như nằm bờ. Bởi đặc tính của vùng đất này vốn mềm và nhão nên các loại máy cơ giới có tải trọng lớn rất khó di chuyển”.
Nhiều diện tích lúa ở TX. Giá Rai bị ngập úng cục bộ do thiếu phương tiện bơm tát.
Mới đây, việc đưa máy sạ lúa theo khóm của một doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh xuống vận hành thử tại một thửa ruộng nằm trong vùng chuyển đổi thuộc thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) đã bị “sa lầy” khiến cho buổi ra mắt với bà con nông dân không được như mong đợi là một minh chứng. Trong khi đó, cũng với máy sạ khóm này, trong vụ hè thu vừa qua lại được nhiều bà con nông dân ở vùng chuyên lúa của huyện Hòa Bình lựa chọn để gieo sạ và khá thành công, giúp nhiều nông dân tiết kiệm được thời gian và cả vốn đầu tư ban đầu.
NHU CẦU BỨC THIẾT
Để có thể “thích ứng” với điều kiện đồng đất của địa phương, nhiều bà con nông dân đã tự mày mò và cho ra những sản phẩm khá “độc, lạ” nhưng rất hiệu quả như: kết thùng phuy vào bánh cho xe máy xới để di chuyển qua kênh mương, bãi lầy không bị kẹt lại, dùng ống nước chế thành các trục sạ hàng để tăng diện tích gieo sạ, rút ngắn thời gian xuống giống… Thế nhưng, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế, thiếu tính khoa học và ổn định lâu dài. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng đã đến lúc cần có giải pháp cụ thể trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa cho vùng chuyển đổi tôm - lúa trên địa bàn tỉnh?
Nông dân trong vùng chuyển đổi tôm - lúa huyện Hồng Dân dùng máy bơm tháo nước ra khỏi ruộng. Ảnh: C.L
Thực tế cho thấy, số lượng máy móc và tỷ lệ áp dụng cơ giới trong sản xuất trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm. Trước đây, nếu như chưa có các phương tiện cơ giới, mọi khâu sản xuất cơ bản thực hiện thủ công, bằng sức người và sức kéo của gia súc, vừa vất vả mà hiệu quả thu được lại thấp. Từ khi cơ giới hóa sản xuất, nông nghiệp - nông thôn của tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được các địa phương chú trọng đầu tư và từng bước hình thành các vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh mới chỉ tập trung ở khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển. Trong khi đó, khâu gieo cấy được xem là khâu quan trọng, quyết định cho việc đảm bảo thời vụ, tăng năng suất, sản lượng thì tỷ lệ áp dụng chưa cao.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trên địa bàn, các huyện nằm trong vùng chuyển đổi cần tích cực đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất. Đồng thời, cần ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục mở rộng số lượng cánh đồng lớn, vùng sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản, thực phẩm của địa phương, nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, dịch vụ cơ khí nông nghiệp; phát triển hình thức sản xuất liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng.
CHÍ LINH
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
- Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Tập trung nhiều giải pháp cho tăng trưởng kinh tế
- Tem truy xuất nguồn gốc QR Code giúp minh bạch chất lượng sản phẩm