Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Công tác quy hoạch thủy lợi: Thuận tự nhiên, khoa học và có tính lâu dài
Trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động rất lớn đến sản xuất, trong định hướng quy hoạch thủy lợi, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần có những chiến lược mang tính vùng, liên vùng cho phát triển thuận tự nhiên, khoa học và có tính lâu dài.
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt trên địa bàn huyện Phước Long.
Cần có tính liên kết, mở rộng
Hệ thống thủy lợi hiện có của các tỉnh, thành lân cận nói chung và Bạc Liêu nói riêng đã được đầu tư xây dựng từ rất lâu với mục đích chủ yếu là ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản nước ngọt là chính. Tuy nhiên, đứng trước tác động của BĐKH, các công trình từng một thời là “lá chắn thép” nay đã trở nên thất thế trước sức mạnh của thiên nhiên và một phần do tuổi đời đã lâu, nhiều thiết kế, hạ tầng đi kèm cũng không còn phù hợp. Do đó, khi vào mùa khô các cống thường xuất hiện tình trạng nước mặn bị rò rỉ, xâm nhập vào nội đồng. Còn khi vào mùa mưa, mực nước cả trong và ngoài đều dâng cao, không thể đáp ứng nhu cầu tiêu úng kịp thời.
Trước những thách thức trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cho xây dựng nhiều cống lớn ở các tuyến kênh xáng để dẫn nước và điều tiết nguồn nước, phục vụ sản xuất cho nhiều vùng, liên vùng của nhiều tỉnh, thành trong khu vực, trong số đó có thể kể đến như cống Cái Lớn, Cái Bé hay âu thuyền Ninh Quới - Bạc Liêu.
Ở vùng tam giác Ninh Quới của huyện Hồng Dân, tuy có hệ thống cống âu thuyền Ninh Quới, hỗ trợ trong khâu điều tiết nguồn nước nhưng nếu không phối hợp tốt với các cống đầu nguồn của tỉnh Sóc Trăng như: Năm Kiệu, Sáu Tàu… thì cũng rất khó để chủ động được nguồn nước. Từ đó cho thấy, dù đã có hệ thống thủy lợi nội tỉnh khá đồng bộ, khép kín nhưng nếu không liên kết, phối hợp cũng sẽ rất khó trong điều tiết nguồn nước, phục vụ sản xuất. Ông Lâm Văn Dè (xã Ninh Quới) cho biết: “Nhờ có hệ thống cống âu thuyền Ninh Quới và công tác điều tiết nguồn nước từ các vùng giáp ranh với tỉnh bạn nên việc sản xuất lúa những năm gần đây tương đối thuận lợi, không lo thiếu ngọt mà cũng không sợ nhiễm mặn”.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống hạn mặn ở các tuyến kênh đầu nguồn trên địa bàn 2 huyện Phước Long và Hồng Dân, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương cần có giải pháp chủ động để ứng phó với tình hình BĐKH, chủ động nguồn nước phục vụ tốt hoạt động sản xuất của người dân.
Vận hành cống âu thuyền Ninh Quới. Ảnh: C.L
Tầm nhìn dài hạn
Những năm gần đây, thực tiễn ở vùng ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới về quy hoạch và đầu tư các công trình thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp. Tư duy mới bắt đầu kể từ khi Nghị quyết 120 của Chính phủ xác định “lấy nước làm trung tâm cho các quy hoạch khác” và “nước mặn, nước ngọt, nước lợ đều là tài nguyên”. Đây là những quan điểm, tư duy rất mới, rất khác so với trước, chính vì vậy đầu tư hạ tầng thủy lợi nói riêng và hạ tầng nông nghiệp nói chung cho vùng ĐBSCL cũng phải khác.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long, giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với phạm vi quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính của các tỉnh, thành vùng đồng ĐBSCL, có diện tích khoảng 4 triệu héc-ta. Mục tiêu quy hoạch nhằm chủ động điều tiết nguồn nước để cấp nước, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước bền vững cho dân sinh và các ngành kinh tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất một cách linh hoạt, nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị báo cáo Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà cho rằng, công tác quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long rất quan trọng nên việc quy hoạch phải có tính đồng bộ, thống nhất về dòng nước, các vấn đề đầu tư, công nghệ và các chính sách để thực hiện quy hoạch, thứ tự ưu tiên trong thực hiện quy hoạch, kịch bản để đưa ra thực hiện quy hoạch phải mang tính tư duy và dựa trên phân tích, tính toán khoa học và có tính lâu dài, thuận thiên, chống hạn mặn, chống thoát nước… Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với hạ tầng thủy lợi, theo quy hoạch của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương. Quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch; xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm về thủy lợi phù hợp với quy hoạch. Bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng thủy lợi trên địa bàn.
Chí Linh
- Thả khoảng 4,7 triệu con tôm post giống về biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản
- Công bố Quyết định thành lập Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu
- Thành ủy TP. Bạc Liêu: Triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025
- Huyện Hồng Dân: Sơ kết tình hình các mặt công tác quý I/2025
- TP. Bạc Liêu: Phát hiện 2 thanh thiếu niên dương tính với ma túy