Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Đa dạng hóa các mô hình sản xuất: Nâng cao thu nhập cho nông dân
Đa đạng hóa sinh kế và nâng cao thu nhập cho nông dân là một trong những giải pháp quan trọng được các cấp ủy đảng và ngành Nông nghiệp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả được xem là lựa chọn ưu tiên gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp ở huyện Đông Hải.
KHAI THÁC THẾ MẠNH TỪ CON TÔM SINH THÁI
Nhằm phát huy tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản, năm qua cùng với tăng cường đầu tư phát triển con tôm công nghiệp, ngành Nông nghiệp cũng đã chuyển giao và khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, nhất là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp. Bởi so với mô hình nuôi tôm công nghiệp, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp chiếm diện tích khá lớn với trên 72.300ha. Trong đó, con tôm sú cho năng suất đạt trung bình 0,35 tấn/ha (cao nhất đạt 0,65 tấn/ha, thấp nhất đạt 0,15 tấn/ha), cua biển đạt từ 0,15 - 0,2 tấn/ha và cá các loại từ 0,2 - 0,3 tấn/ha. Lãi thu được từ mô hình này từ 70 - 80 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu trên 100 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất này được đánh giá là sạch và thân thiện với môi trường, ít rủi ro, chi phí đầu tư thấp, nhưng hạn chế là hệ thống ao nuôi phần lớn chưa đạt yêu cầu, khả năng lưu giữ nước kém, do bờ bao thấp, rò rỉ nước nhanh.
Thêm vào đó, các hộ nuôi chưa quan tâm nhiều tới hệ thống ao ương (vèo), khâu xử lý nước trước khi thả giống, cũng như quản lý tốt chất lượng nước trong suốt quá trình nuôi. Sản lượng thu hoạch mỗi kỳ (theo con nước) ít nên giá bán thấp và không ổn định, năng suất trung bình đạt thấp so với tiềm năng.
Để khắc phục những hạn chế này và nâng cao hiệu quả sản xuất, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nông dân cần sử dụng con giống chất lượng, mật độ thả bù phù hợp; áp dụng hình thức ương (vèo) trước khi thả ra ao chính; sử dụng các chế phẩm sinh học (men vi sinh, khoáng đa lượng…) trong quản lý môi trường ao nuôi để nâng cao hiệu quả; tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.
Riêng các địa phương, các hợp tác xã cần tiếp tục tuyên truyền nông dân cải thiện phương thức nuôi tôm theo hướng đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VietGAP, ASC, Organic...). Khuyến khích thành lập và hình thành tổ, nhóm hợp tác sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo sản phẩm sạch với số lượng lớn và thuận tiện cho việc hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Thiết lập cơ chế quản lý tài nguyên nước dựa trên cộng đồng để sản xuất tôm bền vững và đầu tư nạo vét hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng đáp ứng đủ nguồn nước tốt phục vụ sản xuất…
Trồng mướp hương - mô hình được chỉ đạo nhân rộng ở huyện Phước Long.
CẦN TÍNH ĐẾN ĐẦU RA
Cùng với phát huy các mô hình kinh tế thế mạnh thì nhiều địa phương trong tỉnh cũng xây dựng nên các mô hình sản xuất hay. So với các địa phương khác, Phước Long là huyện có nhiều mô hình sản xuất nhất hiện nay. Các mô hình sản xuất của Phước Long được xây dựng dựa trên đặc thù của từng tiểu vùng sinh thái gắn với sinh kế và bài toán việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, cùng với thế mạnh kinh tế chủ lực là cây lúa và con tôm, còn có những mô hình sản xuất khá mới. Như mô hình trồng mướp hương với diện tích 4ha và tập trung ở xã Vĩnh Phú Đông 2ha, thị trấn Phước Long 2ha. Đây là mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, được doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào như: hạt giống, phân bón, thuốc và hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Chi phí sản xuất khoảng 17,5 triệu đồng/1.000m2/vụ, sau khoảng 1,5 tháng trồng mướp sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng, tổng thu 27 triệu đồng/1.000m2/vụ, cho lợi nhuận 9,5 triệu đồng.
Mô hình trồng dưa hấu và nuôi gà lôi của nông dân huyện Phước Long.
Cái hay của mô hình này là mướp dễ trồng, ít sâu bệnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, có doanh nghiệp liên kết trong sản xuất hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, mô hình trồng mướp cần nguồn lao động thường xuyên để phục vụ cho việc chăm sóc, thu hoạch, cắt tỉa hàng ngày…
Hoặc mô hình trồng bắp với diện tích 175ha, tập trung ở các xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây và Hưng Phú. Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất này có tính ổn định và hiệu quả kinh tế cao. Chi phí sản xuất khoảng 5,5 triệu đồng/1.000m2/vụ, sau khoảng 65 ngày trồng sẽ cho thu hoạch, tổng thu 10 triệu đồng/1.000m2/vụ, lợi nhuận 4,5 triệu đồng (mỗi năm trồng được khoảng 3 - 4 vụ). So với các loại cây khác, bắp dễ trồng và trồng được quanh năm, tiêu thụ tại chỗ, đầu ra tương đối ổn định. Hiện tại, bắp trái ở Hợp tác xã Quyết Tiến (xã Vĩnh Phú Đông) đã được tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao, được huyện hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP ngay tại vùng trồng trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông).
Rồi mô hình trồng dưa hấu dưới ruộng với diện tích trên 33ha, tập trung ở các xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây và Vĩnh Thanh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chi phí sản xuất khoảng 11,4 triệu đồng/1.000m2/vụ, sau khoảng 2 tháng trồng dưa hấu sẽ cho thu hoạch, tổng thu 24,5 triệu đồng/1.000m2/vụ, lợi nhuận hơn 13 triệu đồng/vụ. Cái lợi của mô hình này là thị trường tiêu thụ mạnh, đầu ra dễ dàng, có thương lái đến liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Một mô hình sản xuất khác cũng khá độc đáo và góp phần hóa giải thách thức đối với những vùng đất lâu năm bị phèn mặn là mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá. Đến nay, diện tích thực hiện mô hình này của huyện là trên 6ha, tập trung ở xã Hưng Phú 1,9ha, Vĩnh Phú Đông 1,4 ha, Vĩnh Thanh 3ha. Đây cũng được xem là mô hình sản xuất có tính ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chi phí sản xuất khoảng 4,5 triệu đồng/1.000m2/tháng, tổng thu khoảng 14 triệu đồng/1.000m2/tháng, lợi nhuận thu được khoảng 9,5 triệu đồng/1.000m2/tháng. Mô hình dễ thực hiện, thị trường tiêu thụ ổn định, tiêu thụ tại chỗ, ít tốn công chăm sóc, sản phẩm sạch…
Ngoài ra, huyện Phước Long còn nhiều mô hình sản xuất hiệu quả khác nữa như: trồng rau má, nuôi rắn ri voi, ri cá, nuôi cua đinh, càng đước, le le, kỳ đà, trăn, gà lôi, chim trĩ…
Đa dạng hóa các mô hình sản xuất là rất cần thiết trong giải quyết bài toán việc làm, thu nhập và khai thác, phát huy tốt tài nguyên đất. Song, ngành Nông nghiệp và các địa phương phải tính đến bài toán đầu ra trong việc khuyến khích nhân rộng các mô hình. Đồng thời, cần tổ chức đánh giá lại hiệu quả, tính bền vững của mô hình trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, sinh thái và an sinh. Đặc biệt là phải thật sự thận trọng trong việc chuyển giao các mô hình sản xuất mới, nhằm tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhiều nhưng thiếu chất, hay cái gì cũng có nhưng không có số lượng khi cần sản xuất hàng hóa lớn.
KIM TRUNG
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng
Phát huy hiệu quả kinh tế từ các mô hình sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Phước Long sẽ tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, bố trí sản xuất giai đoạn đến 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung (sản xuất theo quy trình VietGAP và LobalGAP) gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng.
Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng các tổ hợp tác, HTX và tiếp tục chọn một số HTX điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, làm điểm để nhân rộng cho các HTX khác gắn với các mô hình sản xuất hiệu quả.
Song song đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn, nhất là mô hình đưa màu xuống ruộng như: trồng bắp nếp, dưa hấu, mướp hương, trồng rau má, rau cần nước... Trong đó, giữ vững diện tích rau màu hiện có và phấn đấu mở rộng thêm diện tích trồng bắp 10ha ở ấp Mỹ Tân (xã Vĩnh Phú Đông) và ấp Phước Thuận (thị trấn Phước Long); mở rộng diện tích trồng mướp hương 4ha ở ấp Mỹ Hòa và Mỹ Trinh (xã Hưng Phú); 10ha trồng dưa hấu tại ấp Mỹ 1 (xã Vĩnh Phú Đông), ấp Huê 1 (xã Vĩnh Thanh) và ấp Bình Bảo (xã Vĩnh Phú Tây); 5ha trồng rau má ở ấp Mỹ Phú Tây (xã Hưng Phú), ấp Bình Bảo, Bình Tốt B (xã Vĩnh Phú Tây), 5ha rau cần ở ấp Huê 3 (xã Vĩnh Phú Đông) và các ấp trên địa bàn xã Vĩnh Thanh…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, huyện Phước Long sẽ tăng cường đầu tư nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng, tích cực vận động người dân ra quân làm thủy lợi - thủy nông nội đồng, xây dựng cánh đồng thông minh, ô thủy lợi đảm bảo khép kín gắn với trạm bơm điện để tạo điều kiện dẫn nước sâu vào nội đồng, đảm bảo các hộ có đất sản xuất được tiếp cận với hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng phục vụ sản xuất. Cũng như, chủ động thông báo lịch điều tiết nước của tỉnh và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân biết và chủ động trong sản xuất, cử cán bộ đo độ mặn, độ pH, theo dõi tổng hợp, đề xuất trong quá trình thực hiện điều tiết nước, xử lý kịp thời những vướng mắc của nông dân đặt ra. Tăng cường công tác chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thông qua các lớp tập huấn, các lớp khuyến nông - khuyến ngư, chuyên đề, mô hình, hội thảo, các điểm trình diễn, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả các mô hình sản xuất. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tập trung với xây dựng cánh đồng lớn (sản xuất theo quy trình VietGAP, LobalGAP) gắn với thị trường tiêu thụ. Tập trung chỉ đạo thực hiện cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, gắn với 4 nhà, áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, SRI, vận động nông dân mua sắm máy móc, thiết bị thực hiện cơ giới hóa các khâu cho sản xuất và bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch…
* Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Lê Hữu Ân: Tập trung nghiên cứu hoàn thiện các mô hình sản xuất hiệu quả
Tiếp tục đẩy mạnh và chuyển giao mô hình sản xuất cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ và thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng tâm của ngành Nông nghiệp. Nhất là các giải pháp công nghệ cao phục vụ theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên - môi trường, quản lý nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi mới mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt là tập trung nghiên cứu hoàn thiện các mô hình sản xuất hiệu quả và triển khai nhân rộng đến cộng đồng người sản xuất nông nghiệp. Đồng thời khảo sát, thu thập, đánh giá các mô hình sản xuất hiệu quả mới (thông qua hoạt động tham quan mô hình tại các vùng lân cận, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hoặc các nơi có điều kiện sản xuất nông nghiệp tương đồng với tỉnh Bạc Liêu), để nghiên cứu, bổ sung vào danh mục nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai xây dựng có hiệu quả các mô hình sản xuất phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, thổ nhưỡng đối với từng tiểu vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh, phù hợp nhu cầu sản xuất và định hướng phát triển của ngành. Cũng như, tuyên truyền vận động, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức của nông dân. Từ đó, nâng cao ý thức, giúp nông dân tự nguyện tham gia và hình thành các liên kết sản xuất để giải quyết các khó khăn của chính họ.
Song song đó, đẩy mạnh công tác tư vấn và dịch vụ khuyến nông, nhất là tư vấn về kinh tế hợp tác và thị trường. Tư vấn về kỹ thuật thông qua chuyên mục khuyến nông, tờ tin khuyến nông, kênh YouTube khuyến nông, hoặc gặp trực tiếp người sản xuất qua công tác tiếp dân tại trụ sở để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong sản xuất. Tổ chức một số dịch vụ cung ứng giống thủy sản, cây trồng - vật nuôi khi nông dân - ngư dân yêu cầu, để tăng thu nhập, giải quyết khó khăn cho cán bộ, viên chức. Hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các viện, các trường đại học, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức kinh tế hợp tác, các tổ chức khuyến nông tự nguyện, các tổ chức tín dụng, các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài (UNDP, WWF, WB9) để thực hiện một cách có hiệu quả việc xã hội hóa công tác khuyến nông…
L.D (thực hiện)
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu